Tình trạng trượt lở đất, đá làm cho nhà cửa bị nứt, xiêu vẹo xảy ra tại xã An Lĩnh (Tuy An), nơi địa hình gò đồi có nhiều dốc cao phù hợp trồng chuối, nhà ít nhất cũng có gần trăm cây chuối; chuối trải một màu xanh từ vườn nhà ra tận rẫy. Năm nay chuối được mùa, càng gần tết không khí đón tết ở đây càng nhộn nhịp hơn.
Năm nay chuối được mùa được giá, người dân xã An Lĩnh trồng chuối có thu nhập cao - Ảnh: H.NAM
HẾT LO SẠT LỞ
Đợt mưa kéo dài trong trận lũ lịch sử năm 2009 làm nhà ở của hàng chục hộ dân ở các thôn Phong Thái, Quang Thuận, Thái Long, Vĩnh Xuân (xã An Lĩnh) bị sụt lún, nứt tường; đường, ruộng, vườn bị trôi đất. Nhà ông Nguyễn Hoài Trung, khi xảy ra hiện tượng trượt đất làm móng nhà trụt, ngôi nhà nghiêng. “Lúc đó nửa đêm, gia đình tôi dọn đồ đạc trong nhà, chuyển qua xóm bên gởi chứ ở đây ai cũng hô là nhà bỗng dưng bị nứt” - năm nay ông Trung 73 tuổi, chứng kiến cảnh đó kể lại. Sau khi xảy ra hiện tượng “lạ kỳ” chưa từng thấy, ông Trung “đùm túm” gia đình về sống ở khu tái định cư.
Từ năm 2010 đến năm 2011, mặc dù không có mưa lớn, song nhà cửa của người dân trong vùng tiếp tục bị rạn nứt. Khác với vết nứt tường nhà do kỹ thuật trong xây dựng, vết nứt tường do đất trượt làm biến dạng ngôi nhà. Bà Nguyễn Thị Trúc Phượng, một trong những hộ có nhà ở thôn Phong Thái bị trụt móng, nứt tường cho biết: “Khi xảy ra hiện tượng trượt đất, nền nhà đất ụn lên, móng nhà trôi về một hướng, tường bị đổ nghiêng kéo dài nhiều vết nứt đến mức làm “hụt” cây đòn tay”. Hiện tượng đất nứt còn “trải rộng”, đường đi qua lại các thôn xẻ dọc, xẻ ngang. Tương tự, nhà ông Bùi Thanh Trầm cũng ở thôn Phong Thái bị xuống móng kéo theo nhiều vết nứt. Ông Trầm tâm sự: “Mấy năm trước, nhà tôi bị nứt liên tục. Gần đến tết, nhiều người tất bật trộn hồ trát lại tường, sợ gió lùa vào nhà”.
Địa hình ở đây có một đặc điểm lạ so với các nơi, từ thôn đầu đến thôn cuối của xã cách 10km, lại phải vượt qua nhiều dốc cao như: dốc Bà Chim, dốc Giòng Sắt, dốc Chinh, dốc Chủ, dốc Đá, dốc Quãng và dốc Hố Tượng. Cũng chính địa hình dốc cao nên người dân ở đây “ngại” đến khu tái định cư, mặc dù sau trận sạt lở đất năm 2009, UBND xã An Lĩnh đã xây dựng một khu tái định cư mới có diện tích 12ha, bố trí chỗ ở cho khoảng 100 hộ dân. Hiện tại chỉ có 12 hộ bị sạt lở nhà nghiêm trọng và ở gần khu tái định cư đến nơi ở mới, hơn 30 hộ còn lại vẫn chưa di dời. Ông Nguyễn Quang Trung, cán bộ địa chính xã An Lĩnh cho biết: “Hiện khu tái định cư mới đã hoàn thành phần mặt bằng và giao thông nội vùng. Chính quyền địa phương đã vận động những hộ còn lại trong vùng bị ảnh hưởng đến nơi ở mới, tuy nhiên do việc đi lại khó khăn, xa đất sản xuất nên nhiều hộ vẫn chưa chịu di dời”.
TẾT VUI… NHỜ CHUỐI
Xã An Lĩnh có hơn 1.000 ngôi nhà ở 6 thôn, xóm. Nhà nằm rải rác lưng chừng đồi núi. Những ngôi nhà dựa lưng vào vách núi, vườn chuối bao quanh, chuối còn trải một màu xanh ra tận rẫy. Người dân ở xã An Lĩnh chủ yếu thu nhập chính từ cây chuối, nhà ít nhất cũng có gần trăm cây chuối. Ông Phan Phú Linh, một người dân ở xã An Lĩnh cho hay: “Mọi việc chi tiêu trong gia đình từ cây chuối mà ra. Ở đây trồng sắn, mía còn có cây chết nhưng trồng chuối 100 cây sống 100 cây”.
Người dân ở đây chủ yếu trồng chuối bán dịp tết. Những năm trước, do ảnh hưởng mưa bão nên chuối ngã hàng loạt, gần tết không có chuối bán. Riêng năm nay, chuối được mùa, giá bán khá cao, một buồng chuối 10 nải bán được gần 100.000 đồng. Những người trồng nhiều, thu nhập trên 50 triệu đồng tiền bán chuối trong dịp tết. Những ngày gần tết, cuộc sống ở đây vui hơn, các buôn từ các nơi đến đặt tiền cọc mua chuối. Bà Nguyễn Thị Trâm (thôn Phong Thái), một người dân trồng chuối cho hay: Đầu tháng Chạp, người quen đến từng nhà dặn để chuối bán cho họ. Gần tết, cảnh mua bán chuối diễn ra tấp nập, xóm làng vui hẳn lên. Đất sản xuất ở đây chủ yếu là đất đá pha sỏi nên người dân tập trung trồng chuối là chính. Năm nay chuối được giá, đắt hàng bà con ở đây rất vui mừng vì có tiền để lo mua sắm tết.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã An Lĩnh cho hay, toàn xã có hơn 1.200 hộ dân, trên 19% là hộ nghèo. Trong năm qua tình hình phát triển kinh tế - xã hội có bước phát triển khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra như: tổng sản lượng lương thực 1.146/999 tấn, đạt gần 115%, tăng 14% so năm 2011; trồng rừng 511/322ha đạt gần 159%; thu ngân sách trên 3,7 tỉ đồng đạt 128%... Đời sống vật chất tinh thần người dân nâng lên. |
MẠNH HOÀI NAM