Thứ Hai, 25/11/2024 07:20 SA
Hợp đồng kinh doanh với đối tác nước ngoài:
Cơ hội, thách thức cho doanh nghiệp
Thứ Tư, 09/01/2013 11:00 SA

Là thành viên của WTO, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng giao thương quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng gặp không ít bất lợi trong việc ký kết hợp đồng kinh doanh với các nước. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Gia Hảo, Chuyên gia tư vấn, Trọng tài viên thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam) xung quanh vấn đề này.

 

anh130109.jpg

Ông Nguyễn Gia Hảo - Ảnh: K.ANH

* Ông đánh giá như thế nào về vấn đề ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong thời gian qua?

 

- Để doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường ra nước ngoài thì hoạt động xuất nhập khẩu là phương thức không thể thiếu. Thời gian qua, trong khi tốc độ phát triển thương mại tăng nhanh thì tốc độ phát triển của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất chậm. Điều đó xuất phát từ đội ngũ doanh nhân Việt Nam xuất thân từ nhiều nguồn khác nhau, chưa được đào tạo bài bản, thiếu kinh nghiệm kinh doanh quốc tế. Hơn nữa, vấn đề thu thập, xử lý thông tin của nhiều doanh nghiệp trong nước không mấy khả quan. Hoặc có thông tin nhưng doanh nghiệp không có cán bộ chuyên trách, có tay nghề để phân tích thông tin và doanh nghiệp Việt Nam chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn thông tin; đây là nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thông tin về đối tác. Chính vì thế, một trong những yếu kém của các nhà kinh doanh nước ta hiện nay là chưa nắm bắt kịp thời diễn biến thông tin về thị trường quốc tế.

 

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt gần 130 tỉ USD, nhưng nếu doanh nghiệp trong nước làm tốt thì hiệu quả càng cao hơn. Muốn tăng thêm giá trị kinh doanh nhưng doanh nghiệp chưa phát huy tốt việc mua hàng tại gốc để tranh thủ giá cước, vận tải, bảo hiểm… Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đúng mức đến phương thức thanh toán; chưa tính đến hiệu quả cuối cùng của kinh doanh. Trong khi phương thức thanh toán là vấn đề đặc biệt quan trọng trong việc ký kết hợp đồng và ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động thương mại.

 

* Hiện tại, trong việc ký kết hợp đồng, các doanh nghiệp trong nước nói chung và Phú Yên nói riêng thường gặp phải những khó khăn và rủi ro gì, thưa ông?

 

- Trước khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp phải hiểu rõ những thông tin về đối tác để từ đó có thể kiểm tra đối tác có phải là nơi đáng tin cậy, hay là người trung gian, môi giới kinh doanh. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã bị lừa sau khi hoàn tất hợp đồng kinh doanh vì không nắm bắt thông tin chính xác về đối tác.

 

Giá cả thị trường biến động theo cung - cầu của thị trường cũng là khó khăn cho doanh nghiệp trong nước khi ký hợp đồng. Vì phần nhiều doanh nghiệp không nắm được biến động của thị trường, chỉ biết giá cả thị trường hiện tại mà không tính đến diễn biến của thị trường trong thời gian tiếp theo; tức là chưa biết mở rộng, khai thác thị trường thông qua giá. Ngoài việc nắm bắt thông tin, giá cả, một vấn đề hạn chế của doanh nghiệp trong nước là không thành thạo về ngôn ngữ nên không hiểu hết về điều kiện, nhu cầu về đối tác; chỉ tính đến lợi nhuận trước mắt mà không thực hiện phương châm làm ăn lâu dài, không tạo được mối quan hệ gắn kết thị trường với nước ngoài.

 

Nhiều doanh nghiệp không tham gia những chương trình như xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu; hoạt động tại chỗ hoặc xuất sang thị trường các nước. Trong khi người tiêu dùng ở nhiều vùng khác trong nước không biết đến sản phẩm của doanh nghiệp. Ví như gạo ở Phú Yên rất nổi tiếng nhưng tại các siêu thị của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… không xuất hiện sản phẩm gạo của Phú Yên. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp Phú Yên chưa biết cách thâm nhập thị trường trong nước, chưa phát huy hết hiệu quả của quảng bá thương hiệu với người tiêu dùng cùng trong một quốc gia.

 

doanh-nghiep130109.jpg

Sản phẩm may mặc của doanh nghiệp Phú Yên đã ra thị trường thế giới - Ảnh: K.ANH

* Theo ông thì làm thế nào để doanh nghiệp tránh được những rủi ro trên?

 

- Nhìn chung hàng hóa của Việt Nam bước đầu có chỗ đứng đối với người tiêu dùng các nước khác. Để đẩy mạnh công tác xuất khẩu sản phẩm Việt Nam và tạo mối quan hệ tốt đẹp với các nước thành viên thì các doanh nghiệp trong nước phải biết tận dụng những cơ hội trong các hợp đồng mua bán với các đối tác nước ngoài. Nhưng doanh nghiệp phải hiểu rõ năng lực của chính mình và nắm bắt kỹ lưỡng thị trường; nghiên cứu thông tin về đối tác; khảo sát, thâm nhập thị trường; liên kết chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước. Đồng thời, cảnh giác trước những dịch vụ, giao dịch hấp dẫn để tránh hành vi lừa đảo trong ký kết hợp đồng thương mại.

 

Tăng cường tính cộng đồng giữa các doanh nghiệp trong nước thông qua các hiệp hội nghề nghiệp để giao lưu, chia sẻ, trao đổi thông tin để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Thêm vào đó, các cơ quan nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên để doanh nghiệp phát triển thông qua nhiều hình thức như hỗ trợ thuế, tư vấn thị trường, tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm… để doanh nghiệp có cơ hội tham gia nhằm quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng.

 

Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng phải tạo mối quan hệ gắn kết với ngân hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại và Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (hoặc các văn phòng đại diện) để được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ trong việc xử lý thông tin, cách thức thực hiện hợp đồng thương mại để có được lợi nhuận cao nhất trong kinh doanh.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

KHANG ANH (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek