Thứ Sáu, 04/10/2024 16:18 CH
Ngành mía đường gặp khó
Thứ Hai, 07/01/2013 07:35 SA

Vừa bước vào vụ ép 2012-2013, các doanh nghiệp chế biến đường trong tỉnh đã đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do giá đường thấp, đường nhập lậu tràn lan. Công nghiệp chế biến mía đường là một trong những thế mạnh của tỉnh có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng nghìn người dân, đang cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp.

 

mia130107.jpg

Nông dân huyện Sơn Hòa thu hoạch mía đưa về Nhà máy đường Sơn Hòa theo hợp đồng đầu tư với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam - Ảnh: N.TRƯỜNG

 

GIÁ THẤP, TIÊU THỤ KHÓ KHĂN

 

Ông Lê Tấn Đàm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cho biết: “Trong vụ trước, công ty chúng tôi đã tồn một lượng đường lớn, vừa mới giải quyết xong. Niên vụ 2012-2013, Nhà máy đường Tuy Hòa tăng công suất lên 2.300 tấn mía/ngày, dự kiến sản xuất được khoảng 30.000 tấn đường. Tuy nhiên, hiện sức tiêu thụ trong nước đang khó khăn, giá đường tiếp tục xuống thấp. Trong khi đó, đường nhập lậu ào ạt tràn vào với giá thấp khiến việc tiêu thụ của các nhà máy đường càng thêm khó. Chúng tôi đề nghị Chính phủ tăng cường kiểm soát, không cho đường nhập lậu tràn vào; tăng thuế nhập đường để tạo điều kiện cho đường nội tiêu thụ hết.

 

Bà Nguyễn Thị Minh Thái, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ Minh Tâm (một đối tác của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam - KCP VIL) chia sẻ: Theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, năm nay tổng sản lượng đường cả nước dự kiến sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn; lượng đường thừa của cả nước khoảng 300.000-400.000 tấn. Trong khi đó, lượng đường nhập lậu tràn lan khiến việc tiêu thụ đường hết sức khó khăn. Hiện giá đường nhập lậu có giá 13.700-13.800 đồng/kg, trong khi giá đường RS trong nước 14.100-14.200 đồng/kg nên nhiều khách hàng thương mại của các doanh nghiệp đều chuyển sang mua đường nhập lậu.

 

duong2130107.jpg

Ngành sản xuất đường đang gặp khó vì đường nhập lậu tràn lan, giá đường thấp - Ảnh: N.XUÂN

CẦN GIẢI PHÁP HỖ TRỢ

 

Theo ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng giám đốc KCP VIL, dự kiến niên vụ này 2 nhà máy của KCP VIL sẽ sản xuất khoảng 78.000 tấn đường, tăng hơn niên vụ trước 7.000 tấn. Trong niên vụ trước, mặc dù sản lượng cao nhưng lợi nhuận của công ty thấp do hàm lượng đường thấp và tỉ lệ tạp chất cao. Năm 2012, mặc dù KCP VIL nằm trong top 5 về chất lượng và sản lượng đường nhưng tỉ lệ tiêu hao quá cao (12 tấn mía/1 tấn đường), trong khi tỉ lệ tiêu hao bình quân của các nhà máy khác là 10-10,5 tấn mía/1 tấn đường, thị trường tiêu thụ chính của KCP VIL lại quá xa chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, chi phí vận chuyển cao nên rất khó cạnh tranh với các nhà máy ở miền Nam. Mặc dù phần lớn sản phẩm đường của KCP VIL đều có kênh phân phối chính là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhưng việc cạnh tranh giá cả cũng rất nhiều trở ngại. Thêm vào đó, năm nay sản lượng đường của các thị trường Trung Quốc, Thái Lan đều tăng, tạo sức cạnh tranh gay gắt với đường trong nước. Do vậy, chúng tôi mong muốn Chính phủ cần chống buôn lậu quyết liệt; hạn chế việc thực hiện tạm nhập tái xuất đường nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ cũng cần nới lỏng việc kiểm soát đường Việt Nam xuất sang các nước theo đường tiểu ngạch để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước.

 

Còn ông Lê Tấn Đàm cho rằng, năm nay không chỉ nhà máy chế biến đường mà chính người nông dân trồng mía cũng sẽ gặp khó. Trong niên vụ này, Bộ NN-PTNT yêu cầu tất cả các nhà máy đều phải mua mía theo chữ đường nên các hộ trồng mía phải chú trọng nâng cao chất lượng cây mía; loại bỏ tạp chất trước khi nhập vào nhà máy mới đảm bảo được lợi nhuận. Bên cạnh đó, năm nay tỉnh cũng áp dụng quy định cấm tất cả các loại xe thô sơ, xe kéo tự chế sử dụng rơ moóc vận chuyển hàng hóa lưu thông trên các tuyến đường. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Tây Hòa, do đặc điểm các ruộng mía đều nhỏ lẻ, manh mún nên phần lớn phương tiện vận chuyển mía là máy cày, xe kéo rơ moóc (các loại xe có tải trọng lớn không thể vào ruộng mía được). Do vậy, bà con nông dân huyện Tây Hòa sẽ tốn thêm nhiều chi phí, thời gian để bốc dỡ, vận chuyển mía về nhà máy. Công ty đã cho một số nông dân vay vốn mua xe tải chở mía và cũng đã chuẩn bị đội hình xe tải chuyên đi thu mía ở những vùng khó khăn nhưng nhiều khả năng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của bà con nông dân khi vào chính vụ thu hoạch. Ông Đàm nói: “Mặc dù sản xuất, tiêu thụ đều khó nhưng chúng tôi sẽ cố gắng thu mua hết mía nguyên liệu của nông dân, đảm bảo giá cả hợp lý để duy trì vùng nguyên liệu của nhà máy. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác của người nông dân cũng như sự hỗ trợ của tỉnh để giải quyết một số khó khăn, giúp công ty ổn định vùng nguyên liệu và đảm bảo thu nhập cho người trồng mía”.

 

NGÔ XUÂN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek