Gần một tuần nay, nhiều người dân kéo đến khu vực núi Gò Đá thuộc thôn Thượng Phú (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) để tìm một loại cây mà người dân gọi là “thần dược”. Trước tình hình mất an ninh trật tự tại khu vực này, UBND xã Bình Kiến đã chỉ đạo công an xã và dân quân địa phương kiểm tra, ngăn chặn và trục xuất những người đến đây đào núi tìm “thần dược”.
Nhiều người đến khu vực núi Gò Đá, thôn Thượng Phú, xã Bình Kiến để tìm cây “thần dược” - Ảnh: A.NGỌC
ĐUA NHAU TÌM “THẦN DƯỢC”
Ông Đoàn Văn Trưởng, Trưởng thôn Thượng Phú cho biết: Khi phát hiện có người lạ đến đồi núi Gò Đá chặt thân, đào rễ cây cam lồ, chúng tôi đã đến tận nơi tìm hiểu. Những người này cho biết họ đến từ huyện Tuy An, có một số ở tỉnh Khánh Hòa. Họ bảo cây cam lồ còn gọi là cây xáo tam phân có tác dụng chữa rất nhiều bệnh. Chúng tôi đã xin ý kiến của Đảng ủy, UBND xã Bình Kiến ngăn cấm không cho họ tiếp tục đào xới, chặt phá loại cây này. Tuy nhiên, khoảng 3 ngày nay, người dân địa phương tham gia tìm cây cam lồ càng nhiều, mỗi ngày có khoảng 40-50 người dùng rựa, cuốc, xẻng, xà beng hì hục đào xới đất đá để chặt thân, đào rễ cây “thần dược”.
Một người dân đi chặt cây tên Chính, cho biết: “Khoảng 5 ngày trước, có một số người lạ mặt ở địa phương khác đến đây chặt thân, đào rễ cây cam lồ và cho biết cây này bán rất nhiều tiền vì nó có tác dụng chữa bệnh. Ngày hôm sau có người đến hỏi mua loại cây này nên người dân ở thôn Thượng Phú cùng tham gia đi đào. Mấy ngày đầu bán với giá 170.000 đồng/kg rễ tươi và 40.000 đồng/kg cành nhánh tươi. Hiện nay giá rễ tươi lên đến 400.000 đồng/kg nhưng không có để bán. Một số người dân còn đến các khu vực rừng núi lân cận và đến huyện Tuy An để tìm kiếm loại cây này”.
Ông Nguyễn Chí Phương, Chủ tịch UBND xã Bình Kiến, cho biết, UBND xã đã chỉ đạo công an xã và dân quân địa phương kiểm tra, ngăn chặn và trục xuất những người đến khu vực đồi núi Gò Đá thuộc thôn Thượng Phú để săn tìm loại cây mà họ gọi là “thần dược”. Khu vực này Nhà nước đã giao đất cho các hộ dân ở đây trồng cây keo và bạch đàn nên UBND xã đang phối hợp với các chủ rừng tiếp tục ngăn chặn không cho người dân chặt cây, đào bới ở khu vực này”.
Mặc dù vậy, hiện ở khu vực đồi núi Gò Đá, hàng ngày vẫn có vài chục người lén lút dùng rựa, cuốc, xẻng, xà beng hì hục chặt phá, đào xới đất đá để tìm loại cây gọi là “thần dược” này.
CÓ PHẢI “THẦN DƯỢC”?
Chúng tôi cầm một nhánh cây cam lồ đến các tiệm thuốc bắc ở TP Tuy Hòa để tìm hiểu thực hư công dụng của loại cây này. Đa số các chủ tiệm thuốc bắc cho biết, cây cam lồ chính là cây xáo tam phân đã được báo chí thông tin thời gian qua ở khu vực Hòn Hèo (tỉnh Khánh Hòa). Theo Hội Đông y tỉnh Phú Yên, do chưa nghiên cứu kỹ nên chưa thể cung cấp thông tin có liên quan đến loài cây này. Nhưng có một thông tin để tham khảo là Sở Y tế Khánh Hòa có báo cáo về kết quả nghiên cứu của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) về cây xáo tam phân. Cây này có tên khoa học là Paramignya trimera với các thành phần: flavonoid, saponin, alcaoid; chủ yếu là courmarin và triterpenoid. Các thí nghiệm cho thấy xáo tam phân có tác dụng ức chế tốt viêm gan cấp ở thí nghiệm trên chuột nhắt trắng; có tác dụng ức chế, tiêu diệt đối với 5 dòng tế bào ung thư gồm ung thư gan Hep-G2, ung thư đại tràng HTC116, ung thư vú MDA MB231, ung thư buồng trứng OVCAR-8 và ung thư cổ tử cung Hela. Tuy nhiên, Sở Y tế Khánh Hòa tiếp tục đề nghị Bộ Y tế và cơ quan liên quan hướng dẫn các bước cần thiết nhằm khẳng định tác dụng điều trị (trên người) của cây thuốc này…
Còn bác sĩ Lê Bá Thính, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Phú Yên cho biết: Trong Đông y không có một loại cây nào chữa được bá bệnh. Mỗi loại cây có giá trị về dược tính khác nhau, người thầy thuốc phải biết kết hợp nhiều loại dược tính để chữa một chứng bệnh nào đó. Thời gian qua, người dân đồn thổi về cây mật nhân chữa được bá bệnh, nhưng trên thực tế không phải như vậy. Riêng loại cây xáo tam phân, chúng tôi sẽ tìm hiểu và có khuyến cáo cho người sử dụng.
ANH NGỌC