Đó là DNTN May mặc Hưng Khánh (Tây Hòa) không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương mà còn giải quyết việc làm cho một số người khuyết tật, giúp họ hòa nhập cộng đồng.
Những người khuyết tật đang làm việc tại DNTN May mặc Hưng Khánh - Ảnh: T.HOÀI
Hiện xưởng may công nghiệp của DNTN May mặc Hưng Khánh tại thôn Lương Phước, xã Hòa Phú có hơn 100 lao động phần lớn là nữ. Họ gồm nhiều độ tuổi khác nhau nhưng có chung hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, trước đây chưa tìm được việc làm ổn định. Từ ngày được nhận vào làm việc tại DNTN May mặc Hưng khánh, cuộc sống của nhiều người thực sự đổi thay khi mỗi tháng họ có thêm từ 1,5-3,5 triệu đồng. Dù quy mô xưởng may không lớn như những cơ sở khác nhưng nhờ tài ngoại giao của chủ doanh nghiệp, chị Nguyễn Thị Kim Huyên nên xưởng may không đóng cửa ngày nào. Điều đáng nói là trong những lao động ở đây có một số người khuyết tật. Họ đã được chủ DNTN May mặc Hưng Khánh cưu mang, giúp đỡ, vượt qua khó khăn, mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Thảo, 40 tuổi, nhà ở thôn Tân Mỹ, xã Hòa Mỹ Đông là một trường hợp như vậy. Bị tật một chân từ nhỏ, cuộc đời người phụ nữ này tưởng chừng rơi vào bế tắc khi cha mẹ già yếu, gia cảnh thiếu trước hụt sau. Thế nhưng từ khi vào làm việc tại DNTN May mặc Hưng Khánh, nụ cười đã luôn nở trên môi người phụ nữ bất hạnh này. Hiện chị Nguyễn Thị Thảo đã là chuyền phó chuyên phát hiện và sửa chữa những lỗi sai của sản phẩm, với thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Chị Thảo tâm sự: Làm việc ở đây không chỉ có tiền để tự lo cho bản thân, mà tôi còn có niềm vui khi được tiếp xúc với nhiều người trong xưởng. Những lúc có việc gì vui, chủ xưởng cũng tổ chức cho mọi người liên hoan, đi chơi chỗ này chỗ khác. Vì vậy tôi cũng trở nên lạc quan hơn, không còn thui thủi một mình, hay tủi thân như trước.
Trong xưởng may còn có em Lương Thị Phiển, 20 tuổi, bị câm điếc bẩm sinh. Cô gái xinh đẹp này dù không nghe được, nói được nhưng khuôn mặt luôn rạng ngời, làm việc rất hiệu quả. Lương Thị Phiển ra dấu cho biết, em hài lòng với công việc hiện tại và vui vì có thêm nhiều bạn bè cùng trang lứa. Ngoài giờ làm việc, các bạn cũng thường rủ Phiển đi chơi nên cuộc sống đỡ nhàm chán hơn so với cách đây 3 năm.
Không bị khuyết tật như Thảo và Phiển nhưng chị Phan Thị Hiền, 46 tuổi, nhà ở thôn Lương Phước, xã Hòa Phú lại có hoàn cảnh rất éo le. Chồng bỏ đi khi con còn nhỏ, đứa trẻ lại bị bệnh thần kinh, suốt ngày quậy phá. Bản thân chị Hiền vừa sức khỏe yếu vừa không biết làm gì. Thương cho hoàn cảnh khó khăn của chị Hiền, chủ DNTN May mặc Hưng Khánh đã nhận chị vào làm nhiệm vụ cắt chỉ. “Dù thu nhập chẳng đáng là bao nhưng có vẫn còn hơn không. Làm ở xưởng gần nhà, những lúc rảnh việc, tôi lại có thể chạy về nhà chăm con. Tôi cũng thường được chị em trong xưởng động viên, an ủi nên phần nào cũng vơi đi nỗi buồn vì cuộc đời bất hạnh”, chị Hiền nói.
Theo chị Nguyễn Thị Kim Huyên, chủ DNTN May mặc Hưng Khánh, dù cơ sở của chị không thiếu lao động nhưng vì đồng cảm với người khuyết tật, với những hoàn cảnh bất hạnh, nên chị thu nhận họ để tạo việc làm, giúp họ có thêm thu nhập nhằm giải quyết phần nào khó khăn trong cuộc sống.
THANH HOÀI