Thời gian qua, những ngân hàng thương mại ở Phú Yên liên tục triển khai những gói tín dụng ưu đãi lãi suất nhằm kích thích doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh cuối năm. Từ hôm nay (24/12), Ngân hàng Nhà nước cũng chính thức giảm lãi suất cho vay xuống còn 12%/năm. Thế nhưng, những doanh nghiệp thực sự có nhu cầu vay và vay được vốn lại rất hạn chế.
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng thương mại ở TP Tuy Hòa - Ảnh: L.HẢO
NHIỀU GÓI VỐN RẺ
Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ còn 12%/năm. Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động hạ lãi suất xuống còn 10,5-11%/năm; đồng thời linh hoạt tăng hạn mức tín dụng cho những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn sản xuất, trữ hàng cho mùa kinh doanh tết.
Đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Phú Yên cho biết: Đơn vị đang triển khai chương trình “Chung tay vượt khó cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Theo đó, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi giảm tới 3%/năm so với lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường; thời hạn ưu đãi lãi suất tối đa 3 tháng, kéo dài đến cuối tháng 3/2013. Bà Huỳnh Kim Thoa, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Phú Yên cũng cho biết: Ngân hàng hạ lãi suất cho vay để khuyến khích doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh cuối năm. Hiện ngân hàng cho vay với lãi suất thấp nhất là 10,5%/năm. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mùa tết, Vietcombank Phú Yên sẽ xem xét quy mô và phương án sản xuất, kinh doanh để tăng hạn mức tín dụng hoặc cho khách hàng vay tín chấp một phần.
Còn tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chi nhánh Phú Yên, ngân hàng cũng tăng hạn mức tín dụng để bổ sung vốn lưu động cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hai chương trình tín dụng “Hỗ trợ kinh doanh - Giảm ngay lãi suất” và “Gắn bó dài lâu” với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 13,8%/năm...
Ngân hàng không thiếu vốn cho doanh nghiệp vay. Trong ảnh: Kiểm đếm tiền tại Agribank Phú Yên - Ảnh: LE HẢO
CẦN NHƯNG CHƯA ĐỦ
Đại diện một số doanh nghiệp ở Phú Yên cho biết, phần lớn doanh nghiệp đều rất mừng khi nghe tin Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cho vay thêm 1%. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là hàng tồn kho chưa xử lý hết, thị trường đầu ra chưa khởi sắc nên doanh nghiệp vẫn đắn đo, cân nhắc trước khi quyết định vay vốn. Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Anh Khoa (Tây Hòa) cho biết: “Ngân hàng hạ lãi suất là tín hiệu vui cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm nay, việc kinh doanh đang gặp khó, hàng tồn kho còn nhiều, doanh nghiệp chỉ xuất bán khi có đơn đặt hàng nên chúng tôi chưa có nhu cầu vay vốn trữ lúa, gạo như mọi năm”. Theo ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên, để kinh tế địa phương tăng trưởng, doanh nghiệp “khỏe mạnh” hơn thì điều quan trọng là các ngành chức năng của tỉnh phải triển khai nhiều biện pháp để tăng sức cầu, kích thích người tiêu dùng mua sắm, người Phú Yên ưu tiên dùng hàng Phú Yên. Hiện doanh nghiệp chỉ mạnh dạn vay vốn sản xuất, kinh doanh khi họ thấy được sự ổn định của chính sách vĩ mô, thị trường đầu ra khởi sắc. Các ngân hàng thương mại cũng nên cân nhắc mở rộng điều kiện vay vốn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Bà Huỳnh Kim Thoa, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank Phú Yên phân tích: Hiện các doanh nghiệp hoạt động tốt thì không có nhu cầu vay, doanh nghiệp muốn vay lại không đủ điều kiện. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, phần lớn doanh nghiệp co cụm hoạt động, chủ yếu kinh doanh bằng vốn tự có; đồng thời chờ đợi nền kinh tế phục hồi. Lãi suất cho vay hiện nay đã ưu đãi cho doanh nghiệp, vấn đề còn lại là khách hàng có khả năng hấp thụ vốn hay không? “Dù lãi suất hạ nhưng doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn, ngân hàng cũng không dám cho vay vì lo ngại nợ xấu”, bà Thoa nói.
Theo ông Nguyễn Văn Hàn, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, thực tế cho thấy ngân hàng không thiếu vốn mà nền kinh tế đang thiếu những động lực để thoát khỏi trì trệ. Để doanh nghiệp có thể tiếp tục đầu tư, phát triển, các ngành chức năng cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ tín dụng, thuế, đến thương mại, tiêu dùng… để kích thích người dân mua sắm; doanh nghiệp bán được hàng thì sẽ có nhu cầu vay vốn tái sản xuất, kinh doanh.
LÊ HẢO