Thứ Hai, 25/11/2024 23:28 CH
Nguy cơ vỡ hai “túi bùn” tại mỏ sắt Phong Hanh
Thứ Năm, 29/11/2012 08:30 SA

Hết phép khai thác đã lâu, nhưng Công ty TNHH luyện kim Sơn Giang (Công ty Sơn Giang) vẫn còn để hai “túi bùn” thải khổng lồ “treo” trên sườn núi, có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào, nhất là khi có mưa lớn. Thế nhưng, công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường gần như “đứng bánh”, gây lo lắng cho người dân sinh sống quanh vùng.

 

PH121129.jpg

Nhiều đoạn bờ bao của các hồ chứa bùn thải tại mỏ sắt Phong Hanh chỉ còn khoảng 1m, nguy cơ vỡ hồ là rất cao khi có mưa lớn - Ảnh: A.NGỌC

NƠM NỚP VÌ SỐNG DƯỚI HAI “TÚI BÙN”

 

Hiện bờ bao hai hồ chứa bùn mỏ sắt Phong Hanh (xã An Định, huyện Tuy An) của Công ty Sơn Giang đang bị sạt lở nghiêm trọng. Bà Dương Thị Minh ở thôn Phong Thăng, xã An Định, lo lắng: “Chúng tôi mất ăn, mất ngủ vì các hồ chứa bùn nằm lưng chừng vách núi cao hơn khu dân cư khoảng 5m. Đơn vị khai thác đã đổ đất lấn dòng suối Đồng Sa, khiến nước tràn ra gây ngập, xói lở, ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 50 hộ dân ở thôn Phong Thăng. Riêng gia đình tôi bị bồi lấp hơn 300m2 đất sản xuất”.

 

Ông Phan Văn Ba, Chủ tịch UBND xã An Định cho hay, đất bùn từ bờ bao của hai hồ chứa bùn tràn xuống làm giảm lưu lượng dòng chảy đập Tiên Tấn, bồi lấp hệ thống mương thoát nước, ảnh hưởng đến 17ha đất sản xuất của người dân. Hồ chứa bùn ở phía đông rộng hơn 6,4ha như treo trên đầu khu dân cư, trong khi đó bãi thải phía tây vẫn chưa được đắp đê bao. Nếu bị vỡ, lượng bùn khổng lồ sẽ phủ xuống hàng chục nhà dân ở hai thôn Phong Thăng và Phong Hanh.

 

Ông Đặng Văn Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, mỏ sắt Phong Hanh đã gây tác động lớn đến môi trường. Công ty Sơn Giang đã khai phá núi, đào một hồ chứa bùn rửa quặng và một hồ chứa bùn khác rộng khoảng 1.200m2 ngoài khu vực cho phép. Hai hồ chứa này nhiều lần bị rò rỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân. Mặc dù bị UBND tỉnh và ngành chức năng 4 lần xử phạt do vi phạm về môi trường với số tiền hơn 270 triệu đồng, nhưng công ty này gần như “làm lơ”, thậm chí không có thiện chí khắc phục, xử lý. Khi trời mưa, lượng nước từ trên núi xối thẳng xuống hồ chứa bùn, gây nguy cơ vỡ bờ bao bất cứ lúc nào.

 

CHƯA CHỊU KHẮC PHỤC NHỮNG TỒN TẠI

 

Sáng 26/11, đường vào mỏ sắt Phong Hanh khô ráo, nhưng không hề có bất cứ một phương tiện nào vận chuyển bùn trong hồ chứa, hoặc san ủi hoàn thổ mặt bằng. Tại hiện trường, chỉ có gần chục công nhân đang tháo dỡ thiết bị tuyển quặng sắt. Công ty Sơn Giang đổ lỗi do trời mưa nên phải dừng việc vận chuyển bùn thải và san gạt đất đá, do đó chậm khắc phục môi trường. Theo bà Nguyễn Thị Diệu Thiền, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh), trên thực tế tại hiện trường mỏ sắt, công ty này đang tháo dỡ, thu dọn thiết bị. Vì vậy, công ty đổ lỗi do trời mưa và phải dừng thi công hoàn thổ, khắc phục môi trường là không chính xác. Các ngành chức năng cần sớm vào cuộc để kiểm tra và có biện pháp buộc Công ty Sơn Giang khắc phục môi trường theo đúng tiến độ của đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

 

Qua hơn 4 năm khai thác (từ tháng 4/2007-11/2011), ngày 14/8/2012 Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc đã ký Quyết định số 1211, phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường mỏ sắt Phong Hanh, đồng thời yêu cầu ông Zhu Yue Jin (quốc tịch Trung Quốc), Tổng giám đốc Công ty Sơn Giang phải phục hồi môi trường mỏ sắt Phong Hanh trong 10 tháng. Theo ông Mai Kim Lộc, Phó giám đốc Sở TN-MT, diện tích phải phục hồi môi trường khoảng 18ha trong tổng số 21ha vùng mỏ. Công ty Sơn Giang phải san phẳng các đống đất đá cao ở bãi thải phía tây bắc xuống đáy moong khai thác hơn 373.000m3; vận chuyển đất đá làm bờ bao hồ lắng phía đông san lấp đáy moong khai thác với khối lượng gần 111.000m3; vận chuyển lượng bùn thải trong hồ lắng phía đông khoảng 316.000m3 lấp vào các hố trũng ở moong khai thác và phủ lên bờ mặt sau khi san gạt khoảng 1m tạo lớp đất mặt để trồng cây. Sau khi vận chuyển hết lượng bùn thải, tạo mặt bằng dạng bậc thang đối với hai hồ lắng ở phía đông thì trồng cây phục hồi môi trường. Tháo dỡ các công trình xây dựng như nhà máy tinh luyện, kho vật tư, nhà điều hành, xưởng cơ khí, trạm bơm, đường ống dẫn nước…

 

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Công ty Sơn Giang mới chỉ vận chuyển được khoảng 23.000m3 bùn thải (đạt 5,4% khối lượng phải thực hiện), san phẳng các đống đá cao ở bãi thải phía tây bắc xuống đáy moong khai thác khoảng 162.000m3 (đạt hơn 43% khối lượng phải thực hiện), trồng khoảng 12.500 cây keo lá tràm trên diện tích 6ha tại khu vực phía tây bắc. Do vậy, khó có thể kiểm soát được việc công ty này khắc phục, hoàn nguyên môi trường mỏ sắt Phong Hanh theo quy định.

 

Ngoài ra, năm 2005, Công ty Sơn Giang ký quỹ phục hồi môi trường 2,2 tỉ đồng, trong khi thực tế giá trị khối lượng hoàn thổ hiện nay lên đến 18 tỉ đồng. Bà Nguyễn Thị Diệu Thiền cho biết thêm, theo Cục Thuế tỉnh, đến ngày 19/10 Công ty Sơn Giang vẫn còn nợ thuế (phí môi trường) và tiền phạt hơn 3,8 tỉ đồng, đến nay số tiền này đã thu được chưa? UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra và có biện pháp thu hồi số tiền trên theo đúng quy định.

 

Từ thực trạng trên, ông Trần Văn Hạt, Ủy viên thường trực HĐND tỉnh cho biết, đoàn giám sát sẽ kiến nghị UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương có biện pháp xử lý việc thực hiện phục hồi môi trường tại mỏ sắt Phong Hanh theo đúng tiến độ của đề án, đồng thời tính toán thiệt hại để bồi thường cho người dân trong vùng ảnh hưởng.

 

A. NGỌC - P. NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek