Chủ Nhật, 06/10/2024 07:36 SA
Bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước:
Sử dụng hợp lý, nâng cao ý thức cộng đồng
Thứ Năm, 15/11/2012 08:00 SA

Để quản lý, khai thác tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, tỉnh Phú Yên đang đẩy mạnh tuyên truyền phát huy trách nhiệm toàn xã hội, đồng thời thực hiện có hiệu quả các hoạt động xã hội hóa trong sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

 

nguon-nuoc121115.jpg

Mùa nắng nóng, nhiều nhánh rẽ các dòng sông trong tỉnh cạn kiệt, nguồn nước bị ô nhiễm - Ảnh: P.NAM

PHÂN VÙNG QUY HOẠCH

 

Theo UBND tỉnh, Phú Yên được chia thành 4 vùng quy hoạch tổng thể sử dụng tài nguyên nước, bao gồm các vùng thuận lợi, tương đối thuận lợi, khó khăn và rất khó khăn. Theo đó, vùng thuận lợi cho quy hoạch khai thác, sử dụng các nguồn nước gồm 12 phường của TP Tuy Hòa và 5 xã: Hòa Tân Đông, Hòa Thành, Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Nam, Hòa Xuân Tây (Đông Hòa). Nguồn nước ngầm ở vùng này chủ yếu trong tầng chứa nước Holocen, Pleistocen, phân bố hai bên bờ sông Ba thuộc loại giàu nước, có thể khai thác bằng các lỗ khoan sâu từ 40-50m với trữ lượng khoảng 250-400m3/ngày/lỗ khoan, cung cấp cho sinh hoạt và công nghiệp.

 

Vùng tương đối thuận lợi gồm 31 xã, thị trấn thuộc địa hình đồng bằng, cồn cát ven biển có nguồn nước mặt, nước mưa phong phú và nước ngầm có mức chứa nước trung bình ở TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và các huyện Đồng Xuân, Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa. Nước ngầm ở vùng này vẫn trong các tầng chứa nước Holocen, Pleis­tocen gồm trầm tích sông, biển-gió, với bề dày tầng chứa nước nhỏ, diện phân bố hạn chế hơn, các lỗ khoan cấp nước sâu từ 50-70m, lưu lượng khai thác khoảng 100-250m3/ngày/lỗ khoan, cung cấp nước ở quy mô vừa và nhỏ. Nếu quy mô cấp nước lớn cho công nghiệp hoặc tưới, có thể sử dụng nước mặt bằng hệ thống đập dâng, hồ chứa nhưng phải xử lý chất lượng nước, nhất là cho sản xuất công nghiệp. Để cấp nước cho các cụm dân cư với quy mô nhỏ trong vùng này, sử dụng các lỗ khoan cạn đường kính nhỏ, hoặc giếng đào đường kính lớn trên cồn cát ven biển hoặc đồng bằng.

 

Vùng khó khăn gồm 46 xã, thị trấn thuộc TX Sông Cầu và các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Sơn Hòa, Tây Hòa, Sông Hinh. Đây là vùng địa hình đồi, núi thấp không thuận lợi cho quy hoạch cấp nước tập trung. Tiềm năng chỉ có nước mưa, nước mặt khá phong phú, nước ngầm trong các thành tạo bãi bồi ven sông suối, vỏ phong hóa các đá biến chất, xâm nhập thuộc loại chứa nước nghèo. Để cấp nước tập trung với quy mô vừa và lớn, chỉ có thể sử dụng nước mặt bằng hệ thống đập dâng, hồ chứa; quy mô cấp nước cho các cụm dân cư, thị tứ, các cơ quan công sở bằng các lỗ khoan vào các bãi bồi ven sông suối, hoặc vào hệ thống đứt gãy kiến tạo. Còn đối với các địa phương dân cư phân bố thưa, thì có thể cấp nước bằng các giếng đào vào thành tạo vỏ phong hóa, hệ thống nước tự chảy, hoặc các điểm lộ nước ngầm.

 

Vùng rất khó khăn gồm các xã An Dân, An Thạch, An Hải, An Cư, An Định, An Nghiệp (Tuy An); Sơn Phước, Sơn Hội, Cà Lúi, Krông Pa, Ea Chà Rang (Sơn Hòa); Ea Lâm, Ea Bar, Ea Ly, Ea Bá (Sông Hinh). Đây là vùng địa hình đồi, núi cao, sườn dốc, giao thông khó khăn, không thuận lợi cho quy hoạch cấp nước tập trung. Vùng này có nước mưa phong phú, nhưng nước mặt hạn chế, đặc biệt nước ngầm rất nghèo. Để cấp nước tập trung với quy mô nhỏ cho các nhu cầu cần sử dụng nước mặt, thì bằng hệ thống đập dâng, hồ chứa. Khu dân cư các xã vùng sâu, vùng xa cần xây dựng các bể chứa nước mưa, hệ thống nước tự chảy dùng cho ăn uống, sinh hoạt. Những vị trí thích hợp có thể sử dụng giếng đào đường kính lớn, hành lang thu nước trong thành tạo vỏ phong hóa, hoặc điều tra tìm kiếm nguồn nước ngầm trong hệ thống đứt gãy kiến tạo.

 

CHỐNG CẠN KIỆT, Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC NGẦM

 

Bảo vệ và phát triển nguồn nước mùa kiệt, hạn chế dòng chảy mùa lũ thì phải trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn. Đây là công việc cần thiết và lâu dài cần phải đẩy mạnh, huy động các nguồn đầu tư cho việc trồng, bảo vệ rừng và khuyến khích công tác khuyến lâm, xã hội hóa kinh tế nghề rừng trên địa bàn các huyện phía tây của tỉnh; duy trì và phấn đấu đưa độ che phủ rừng đến năm 2015 đạt 40%. Do lưu vực sông Ba phần thượng nguồn nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, vì vậy cần phải có sự phối hợp và triển khai các giải pháp trong việc quản lý lưu vực sông nhằm tạo nguồn sinh thủy cho dòng sông phía hạ du, đặc biệt việc trồng rừng đầu nguồn thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai. Đối với các hoạt động khai thác điện năng trên sông Ba, cũng cần phải đảm bảo nguyên tắc cân đối hài hòa giữa điện năng và duy trì sự sống của dòng sông (dòng chảy tối thiểu).

 

Theo UBND tỉnh, để bảo vệ nguồn nước, các loại chất thải từ hoạt động sản xuất, kinh do­anh, dịch vụ, xây dựng, giao thông vận tải, các hộ kinh do­anh - dịch vụ, sinh sống trên sông, hồ phải được kiểm soát, xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi thải ra môi trường. Việc phát triển các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, khu dân cư tập trung trong lưu vực sông phải được xem xét trong tổng thể toàn lưu vực, yếu tố dòng chảy, sức chịu tải và khả năng tự làm sạch của dòng sông. Trong bảo vệ môi trường tài nguyên nước ngầm, cần tuân thủ những quy định của Nhà nước liên quan đến hoạt động khoan thăm dò, khai thác; rà soát, đánh giá số lượng, trữ lượng và chất lượng các giếng khoan đã, đang và sẽ khai thác; nghiêm cấm việc đưa vào nguồn nước dưới đất các loại hóa chất, chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định; có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước qua các giếng khoan thăm dò, khai thác. Các cơ sở khai thác nước dưới đất phải có trách nhiệm phục hồi môi trường khu vực thăm dò, khai thác; các lỗ khoan thăm dò, khai thác không còn sử dụng phải được trám lấp theo đúng quy trình kỹ thuật, tránh làm ô nhiễm nguồn nước dưới đất; các dự án khai thác khoáng sản, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có sử dụng hóa chất độc hại, kho chứa hóa chất, kho xử lý, khu chôn lấp chất thải, nghĩa trang phải được xây dựng đảm bảo an toàn kỹ thuật, bảo đảm không để rò rỉ, phát tán hóa chất, chất thải độc hại ngấm vào nguồn nước dưới đất…

 

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek