Phú Yên có vùng đất ngập nước ven biển chủ yếu ở vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) và đầm Ô Loan (Tuy An) với diện tích hơn 12.200ha - là những khu vực nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh. Tuy nhiên, do việc nuôi trồng thủy sản tự phát, chưa được quản lý chặt chẽ đã tác động tiêu cực đến môi trường nên cần có giải pháp để khai thác hợp lý, phát triển bền vững.
Người dân Phú Yên đang thu hoạch tôm - Ảnh: N.CHUNG
HỆ LỤY VỀ MÔI TRƯỜNG
TX Sông Cầu có vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, là nơi nuôi trồng thủy sản thuận lợi, nhưng hiện tại diện tích nuôi tôm sú chỉ còn 180ha, giảm 3 lần so với thời kỳ hưng thịnh vào đầu những năm 2000. Người dân chuyển dần một phần diện tích nuôi tôm sú sang nuôi trồng các loài thủy sản khác như cá mú, ghẹ, cua, ốc hương và nhiều nhất là nghề nuôi tôm hùm bằng lồng với hơn 15.000 lồng nuôi, chiếm 78% lồng nuôi trong tỉnh. Song nghề nuôi tôm hùm ở vùng đất ngập mặn này những năm gần đây thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro do môi trường nước bị ô nhiễm bởi chất thải của việc nuôi tôm với mật độ dày.
Thắng cảnh cấp quốc gia Đầm Ô Loan với diện tích 1.200ha, thế nhưng nhiều năm qua vùng đất ngập mặn này không chỉ là “vùng trọng điểm” của nghề khai thác bằng các ngư cụ mang tính hủy diệt, mà còn là nơi đang bị ô nhiễm do hậu quả của nghề nuôi tôm sú bằng hồ hở và người dân sống quanh đầm chưa có ý thức bảo vệ môi trường, biến đầm thành nơi chứa chất thải. Trước đây, bình quân hàng năm người dân quanh đầm Ô Loan khai thác được 200 tấn tôm, 150 tấn cá, 20 tấn cua, hàng trăm tấn rau câu và các loài nhuyễn thể được xem như là đặc sản của Phú Yên như hàu, điệp, sò huyết... Tuy nhiên, hiện nguồn lợi này hầu như còn rất ít. Điển hình như sò huyết Ô Loan, là một đặc sản rất nổi tiếng trong nước, nhưng vài năm trở lại đây xuất hiện ít, sản lượng khai thác giảm mạnh và có nguy cơ biến mất khỏi đầm...
Xây dựng nhà trái phép trên đầm Ô Loan làm hủy hoại môi trường, cảnh quan - Ảnh: T.HƯƠNG
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Theo Trung tâm Nghiên cứu, quản lý và phát triển vùng duyên hải thuộc Đại học Huế, các vùng đất ngập nước ven biển của tỉnh có 263 loài thủy sản, trong đó có 8 loài cỏ biển, 33 loài thực vật ngập mặn, 90 loài động vật phù du, 14 loài động vật thân mềm hai mảnh vỏ, 224 loài cá; đặc biệt có 7 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Để bảo tồn nguồn lợi thủy sản phong phú đó, tỉnh Phú Yên cần thực hiện các giải pháp về quản lý môi trường, tổ chức hình thức khai thác thủy sản thích hợp theo hướng bền vững. Đối với quản lý môi trường nước, tỉnh cần có chương trình quan trắc thường xuyên với tần suất mỗi tháng một lần để đánh giá chính xác diễn biến môi trường, kịp thời đề ra giải pháp giảm thiểu nguy cơ có hại đối với nghề nuôi, cũng như chất lượng sản phẩm. Mặt khác, hiện nay, trong khu vực đầm, vịnh thuộc huyện Tuy An và TX Sông Cầu, chỉ có khoảng 30% số hộ có nhà vệ sinh và phần lớn các hộ còn lại đều phóng uế bừa bãi ra môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm tăng mật độ vi khuẩn gây bệnh, nhất là vào mùa mưa. Do vậy, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ cho người dân xây dựng nhà vệ sinh hợp lý. Bên cạnh đó, chính quyền các xã ven đầm, vịnh cần chú trọng đến hoạt động tuyên truyền giáo dục người dân không nên xả chất thải chăn nuôi, rác sinh hoạt... bừa bãi ra môi trường.
Để hoạt động khai thác thủy sản mang lại hiệu quả, trước hết phải dựa vào cộng đồng dân cư. Các địa phương cần khôi phục lại tổ quản lý đầm vịnh do nhân dân tự nguyện thành lập theo từng nhóm nghề cụ thể. Bên cạnh đó, không cho người dân đánh bắt liên xã, mà thiết lập địa giới ngư trường theo từng xã. Hoạt động khai thác phải được đặt dưới sự quản lý của chính quyền cơ sở nhằm kiểm soát được số lượng ngư cụ, cũng như số hộ khai thác.
PHƯƠNG NAM