Thứ Hai, 07/10/2024 10:25 SA
Nhiều sai phạm trong khai thác đá ở Sơn Hòa:
Bài cuối: Doanh nghiệp tranh thủ tận thu
Thứ Sáu, 02/11/2012 07:44 SA

Lý giải cho tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng giấy phép tranh thủ tận thu đá, ông Cao Minh Hòa, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho rằng do công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản (trong đó có đá) và bảo vệ tài nguyên môi trường thiếu đồng bộ.

da6121102.jpg

Công ty cổ phần khoáng sản Việt Nhật chẻ đá thô sơ trên phần đất xây dựng nhà máy - Ảnh: P.NAM

TẬN THU ĐÁ

Các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá ở huyện Sơn Hòa đều được cấp các loại giấy tờ, thủ tục, nhưng trên thực tế một số doanh nghiệp núp bóng giấy phép để khai thác trái phép. Theo UBND huyện Sơn Hòa, hiện trên địa bàn huyện có 5 mỏ đá và khai thác khoáng sản đá được tỉnh cấp phép, gồm mỏ đá Granit rộng 0,68ha của Công ty TNHH Granit Phú Yên; mỏ đá bầu Thỏ, xã Sơn Hà rộng 11,5ha của Công ty cổ phần Khoáng sản Việt Nhật; mỏ đá vật liệu xây dựng Chầm Mâm rộng 3ha của các Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông Phú Yên, Công ty TNHH Bảo Trân và Công ty cổ phần khoáng sản Bằng Sơn. Ngoài ra, Công ty cổ phần Nam Dương và Công ty cổ phần 30/4 được cấp phép khai thác đá vật liệu xây dựng tận thu sau thủy điện trên diện tích 5,5ha.

Để quản lý việc khai thác khoáng sản đúng quy định của Luật Khoáng sản, từ tháng 3/2010, UBND huyện Sơn Hòa đã thành lập tổ công tác liên ngành giám sát, thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lợi dụng giấy phép và các giấy tờ liên quan, một số doanh nghiệp đã “tranh thủ” khai thác đá sai quy định, hoặc thỏa thuận với người dân thu mua đá bazan dạng cuội, đá mồ côi trên đất nông nghiệp để trục lợi, đào múc đất, lật đá bán thô trái phép. Không ít người dân gần như bỏ luôn cả rẫy, mặc cho doanh nghiệp tự tung tự tác cày xới, băm nát phần đất của mình, thậm chí có hộ phá bỏ luôn cả cây keo, bạch đàn trồng trên đất nông nghiệp để bán đá cho doanh nghiệp. Đó là chưa nói đến việc “xâm lấn” sang phần diện tích khác. Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng TN-MT huyện Sơn Hòa khẳng định: “Chủ trương tận thu đá cuội trên bề mặt là để cải tạo đất. Theo Luật Khoáng sản, người dân chỉ được bán đá trên đất ở, còn đối với các loại đất khác chỉ được phép đưa đá ra bờ bao. Thỏa thuận thu mua, khai thác đá trên đất nông nghiệp của người dân là sai quy định”.

NHIỀU DOANH NGHIỆP SAI PHẠM

Từ tháng 12/2010, Công ty cổ phần Khoáng sản Việt Nhật (Công ty Việt Nhật) được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác đá vật liệu thông thường trên diện tích 11,5ha, trữ lượng gần 630.000m3 đá nguyên khai tại bầu Thỏ, thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà, với công suất khai thác đá thành phẩm 90.000m3/năm, trong đó đá cấp phối 70.000m3 và 20.000m3 đá chẻ. Thời gian khai thác đến tháng 11/2017. Đến tháng 5/2011, UBND tỉnh ra Quyết định số 745 về việc chuyển mục đích sử dụng đất và cho thuê đất để thực hiện giấy phép trên, trong đó hơn 9,3ha đất khai thác khoáng sản và 2ha đất xây dựng nhà máy chế biến. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, đến thời điểm hiện nay, tại khu vực nhà máy chế biến của Công ty Việt Nhật chỉ có hơn chục công nhân chẻ đá thủ công; công ty này tập kết một số thiết bị cũ tại công trường đã được sơn sửa lại và một số công trình nhà ở xây dựng dở dang, chứ chưa hề tiến hành xây dựng nhà máy chế biến đá. Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Khánh, đại diện Công ty Việt Nhật cho rằng: “Do gặp khó khăn trong việc thỏa thuận với người dân về bồi thường đất, dẫn đến hợp đồng thuê đất bị chậm. Ngoài ra, doanh nghiệp đã liên hệ với Phòng Công thương huyện Sơn Hòa xin phép xây dựng nhà máy, nhưng không được chấp thuận do không có hợp đồng thuê đất”. Trong khi đó, ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết, sau khi kiểm tra, Công ty Việt Nhật cam kết đến cuối năm 2012 sẽ hoàn thành việc xây dựng nhà máy chế biến, nhưng với tiến độ như hiện nay, công ty này khó có thể thực hiện được. Ngoài ra, Công ty Việt Nhật còn bị xử phạt nhiều lần do vận chuyển đá thô vào ban đêm và có hiện tượng bán đá thô ra ngoài tỉnh. Mới đây, công ty này bị các ngành chức năng xử phạt 10 triệu đồng do khai thác, vận chuyển đá trái phép.

Tương tự, Chi nhánh Công ty sản xuất đá Granit Phú Yên có nhà máy chế biến tại xã Sơn Hà được UBND tỉnh giao thăm dò khoáng sản trên diện tích 17,63ha tại xã Sơn Xuân (Sơn Hòa) và chưa có giấy phép khai thác. Thế nhưng, công ty này đã tự ý khai thác trái phép đá granit với số lượng lớn trên diện tích 3.200m2. Ông Nguyễn Ngọc Tiến cho hay, trước đây công ty này cũng đã bị phạt 18 triệu đồng. Ngày 24/10 vừa qua, công ty tiếp tục bị phạt 30 triệu đồng, trục xuất toàn bộ phương tiện, thiết bị, tạm giữ 198 viên đá đã xẻ tại thôn Tân Lương, xã Sơn Xuân. Điều đáng quan tâm là Chi nhánh Công ty sản xuất đá Granit Phú Yên đi vào khai thác, chế biến đá đã gần 10 năm qua, diện tích được cấp phép chỉ có 0,68ha tại mỏ đá xã Sơn Xuân, thì lấy nguyên liệu từ đâu mà hoạt động…?!

Theo UBND huyện Sơn Hòa, ngoài những doanh nghiệp trên, mới đây huyện cũng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Bảo Trân; DNTN Tân Tín; Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông Công ty 30/4 và Công ty cổ phần xây dựng Nam Dương, do khai thác khoáng sản trái phép.

CÔNG TÁC QUẢN LÝ THIẾU ĐỒNG BỘ

Thời gian gần đây, công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Sơn Hòa còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó phải kể đến công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về khoáng sản chưa thật sự sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; cán bộ quản lý nhà nước về khoáng sản cấp huyện phần lớn kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, gây khó khăn trong kiểm tra, xử lý. Đặc biệt là năng lực của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của giấy phép được cấp. Ông Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, để khắc phục tình trạng khai thác đá trái phép, huyện Sơn Hòa đã đề nghị Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh cho phép người dân tận thu đá theo quy định khi có nhu cầu, đồng thời vận động bà con không vì lợi ích trước mắt, làm hư hại đất sản xuất, gây thất thoát tài nguyên của Nhà nước. Việc một số doanh nghiệp lợi dụng giấy phép, khai thác đá trái phép bằng nhiều hình thức và vận chuyển vào ban đêm, ngành TN-MT cũng đã đề nghị các địa phương rà soát, kiểm tra xử lý, ngăn chặn triệt để. Đối với tình trạng tập kết, vận chuyển đá màu xanh, Phòng TN-MT huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo hai xã Suối Bạc và Sơn Nguyên tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức thu mua đá trái phép, kể cả các hộ dân khai thác, dùng cộ bò vận chuyển về nhà.

Ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa đề xuất, ngoài công tác kiểm tra, xử lý, điều quan trọng nhất là cần phải thẩm định kỹ năng lực chuyên môn, tài chính của các doanh nghiệp trước khi cấp phép thăm dò, khai thác, tránh tình trạng lợi dụng pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài nguyên và gây khó khăn trong quản lý. Ông Phụng cho biết thêm, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện doanh nghiệp nào tái phạm nhiều lần, hoặc triển khai dự án chậm tiến độ sẽ đề nghị UBND tỉnh xử phạt nặng và rút giấy phép hoạt động.

Ông Cao Minh Hòa, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ tài nguyên môi trường thiếu đồng bộ. Trong khi đó, một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; công tác quy hoạch vùng, đánh giá trữ lượng tài nguyên khoáng sản chưa chính xác; một số ngành tham mưu chưa xây dựng kế hoạch, hoạch định chiến lược khai thác khoáng sản còn mang tính chung chung, chưa có định hướng lâu dài. Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân không tuân thủ các quy định của pháp luật, lén lút khai thác khoáng sản trái phép, trong khi đó hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường chưa được đồng bộ, thiếu chặt chẽ, nên khi áp dụng các chế tài xử lý vi phạm gặp nhiều bất cập, hiệu lực chưa cao.

Song song với công tác kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, UBND huyện Sơn Hòa đang phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh hình thành các dự án thăm dò, khai thác, chế biến các loại đá ốp lát, mỹ nghệ với quy mô phù hợp, công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái; đồng thời phát triển lĩnh vực khai thác, chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình trong huyện.

Ngày 30/10, UBND tỉnh có Công văn số 3258/UBND-KT do Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc ký, yêu cầu Sở TN-MT tổ chức lực lượng thanh tra thực hiện công tác hậu kiểm việc cấp giấy phép khai thác và tổ chức thực hiện của các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá tại huyện Sơn Hòa, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm khai thác khoáng sản trái phép theo quy định.

P.NAM - N.THẮNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek