Các sự cố tràn dầu thời gian qua đã gây ô nhiễm nguồn nước, tác động xấu đến hệ sinh thái biển, sức khỏe con người, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, việc lập quy trình phản ứng hiệu quả khi có sự cố tràn dầu là vô cùng cần thiết.
Hàng trăm lượt tàu thuyền cập cảng Vũng Rô mỗi năm - Ảnh: P.NAM
TIỀM ẨN NGUY CƠ TRÀN DẦU
Phú Yên có vùng biển rộng 34.000km, gồm vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, với 189km bờ biển. Vùng đất liền ven biển có diện tích 1.279km2, gồm 4 huyện, thị xã, thành phố với 51 xã, phường, thị trấn, trong đó có 31 địa phương tiếp giáp biển, đầm, vịnh.
Từ năm 2005 đến nay, trên vùng biển của tỉnh có 4 sự cố tràn dầu tại huyện Tuy An, Đông Hòa, trong đó có vụ tràn hơn 90 tấn dầu không rõ nguồn gốc xảy ra đầu năm 2007 tại các địa phương ven biển, được ngành chức năng và người dân thu gom và vụ tàu hàng New Oriental (Panama) chở gần 500 tấn dầu va phải đá ngầm bị chìm tại vùng biển huyện Tuy An. Theo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, nguyên nhân tàu thuyền bị tai nạn trên biển là do va chạm, thời tiết xuất, tàu yếu, chở quá tải; tàu lao vào bãi cạn, đá ngầm, hỏng máy thả trôi. Các sự cố tràn dầu thường xảy ra khi thời tiết xấu, sóng biển to, gió lớn và địa hình không thuận lợi. Hầu hết các vụ tràn dầu đều được ứng cứu nhưng còn chậm do không được phát hiện, thông báo kịp thời và thiếu phương tiện, trang thiết bị ứng phó chuyên dụng.
Theo UBND tỉnh, vùng biển Phú Yên có nhiều tuyến hàng hải vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế. Các tuyến này nằm gần với đường cơ sở, rất dễ xảy ra va chạm giữa các tàu thuyền, gây ra sự cố tràn dầu. Trong và ven bờ biển có cảng Vũng Rô, nhiều cơ sở xăng dầu, các cảng, bến cá và bãi neo đậu tàu thuyền cũng rất dễ xảy ra sự cố tràn dầu. Tính riêng cảng Vũng Rô, bình quân hàng năm có từ 350 đến hơn 500 lượt tàu cập cảng, mang theo lượng dầu khá lớn. Tại đây còn có Tổng kho xăng dầu với trữ lượng khoảng 120.000m3 xăng dầu/năm, nên nguy cơ xảy ra tràn dầu rất lớn do rò rỉ, vỡ bồn chứa, đường ống dẫn dầu, hay đứt dây neo đậu khi tàu đang bơm nhiên liệu... Đó là chưa nói đến nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu của 68 cửa hàng ven biển với trữ lượng 2.442m3 xăng dầu và hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, tàu chìm.
Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái biển, tràn dầu còn gây thiệt hại lớn cho các khu du lịch, vui chơi giải trí, các bãi tắm và danh lam thắng cảnh; gây ô nhiễm các điểm lấy nước phục vụ sản xuất công nghiệp, muối; gây chết tôm, cá tại các ao, hồ, hoặc làm giảm năng suất, nhất là lồng nổi nuôi trồng thủy sản trên biển…
HUY ĐỘNG NHIỀU NGUỒN LỰC ĐỂ ỨNG PHÓ
Theo kế hoạch ứng phó tràn dầu của UBND tỉnh, khi sự cố tràn dầu xảy ra, tùy theo mức độ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh bố trí 4 xe chở quân, 18 ca nô, xuồng máy và 850 cán bộ, chiến sĩ; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng bố trí 22 tàu, ca nô, xuồng máy công suất từ 45-245CV, 5 ô tô, hơn 470 nhà bạt, áo phao và 181 cán bộ, chiến sĩ; Công an tỉnh và Trung đoàn 910 bố trí 11 xe chữa cháy để tham gia ứng cứu. Ngoài ra, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu Miền Trung, Công ty Sanntos Việt Nam và Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ dầu khí biển PVD OffShore cũng tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả. Nếu sự cố tràn dầu ở cấp 3, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn sẽ liên hệ các nguồn lực từ nước ngoài cùng tham gia ứng phó, hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, yêu cầu trợ giúp quốc tế.
Theo ông Nguyễn Vũ Anh Thông, Trưởng ban ứng phó sự cố tràn dầu Miền Trung: Trong 10 năm trở lại đây, cả nước có khoảng 100 vụ tràn dầu trên biển, trong đó gần 50% số vụ không rõ nguồn gốc. Nặng nhất là năm 2007, dầu tràn lan ra 20 tỉnh, thành ven biển, trong đó có Phú Yên với khoảng 5.000 tấn, nhưng chỉ thu gom được 2.000 tấn. Các vụ tràn dầu lớn, phát tán rộng, không rõ nguồn gốc, năng lực ứng cứu thường không đáp ứng. Để nâng cao hiệu quả trong ứng phó với sự cố tràn dầu, cần sớm hoàn thiện hệ thống tổ chức, bảo đảm sự thống nhất trong chỉ huy, hiệp đồng nhiều lực lượng cùng tham gia. Khi xảy ra sự cố, trước mắt phải kịp thời triển khai ứng cứu, thu gom cơ học, đưa hướng di chuyển của vệt dầu vào một khu vực để tiến hành thu gom trên bờ; các đơn vị chức năng nhanh chóng bảo vệ, đóng các khu rừng ngập mặn, cửa sông, kênh rạch, ao hồ bằng phương pháp quây; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương thông báo kịp thời, giúp dân đóng các cửa lấy nước vào hồ nuôi tôm, cá, ruộng muối và liên tục quan trắc, đánh giá chiến lược ứng cứu, làm sạch và xử lý thu hồi dầu…
PHƯƠNG NAM