Quỹ bảo lãnh tín dụng là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn ngân hàng mà không cần tài sản thế chấp. Tuy nhiên, sau nhiều năm bàn về đề án, tại Phú Yên, quỹ này vẫn chưa thể triển khai.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được bảo lãnh tín dụng để dễ tiếp cận vốn ngân hàng hơn. Trong ảnh: Chế biến nhân hạt điều xuất khẩu tại KCN Hòa Hiệp - Ảnh: N.TRƯỞNG
NHIỀU KỲ VỌNG
Theo Sở KH-ĐT, đến nay, toàn tỉnh có gần 2.300 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh với tổng vốn đăng ký khoảng 10.100 tỉ đồng, trong đó hơn 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài những khó khăn chung về thị trường, hàng tồn kho không tiêu thụ được, doanh nghiệp không có khả năng trả nợ… thì việc thiếu tài sản thế chấp là một trong những trở ngại khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận được vốn ngân hàng. Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Phú Yên cho biết: Ngân hàng là đơn vị trung gian đi “vay” tiền của khách hàng rồi cho khách hàng khác vay lại nên chúng tôi phải đảm bảo an toàn vốn. Hiện một số khách hàng mới có phương án sản xuất, kinh doanh tốt nhưng không có tài sản thế chấp nên không thể giải ngân vốn. Trong bối cảnh này, Quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ là giải pháp cho cả doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng; quỹ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, còn ngân hàng cũng bớt lo nợ quá hạn không thu hồi được.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Quảng cáo Phương Tuấn cũng cho biết: Doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là doanh nghiệp mới thành lập, ngoài vốn tự có thì cần được hỗ trợ thêm từ bên ngoài để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, vì hầu hết các doanh nghiệp này đều không đủ tài sản thế chấp, không thể vay vốn ngân hàng nên đành ngậm ngùi nhìn thời cơ trôi qua. Nếu Phú Yên có Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn thì sẽ có thêm cơ hội tiếp cận với những gói tín dụng có lãi suất ưu đãi từ ngân hàng. Theo ông Tuấn, nếu được thành lập, ngoài chức năng bảo lãnh tín dụng, quỹ này nên kiêm luôn chức năng tư vấn giúp doanh nghiệp định hướng đầu tư phù hợp với xu thế phát triển của thị trường. Nhà nước cũng cần chú ý đến khả năng quản lý quỹ, có chế tài đối với các bên tham gia. “Nếu doanh nghiệp thấy được quyền lợi chính đáng, chúng tôi sẽ tham gia đóng góp vào quỹ”, ông Tuấn nói.
Theo Thông tư 93/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính, đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng phải được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt. Nội dung đề án phải chứng minh được nhu cầu về cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trên địa bàn; phương án tổ chức và hoạt động của Quỹ trong 3 năm đầu phải khả thi. Vốn điều lệ của Quỹ tối thiểu là 30 tỉ đồng do ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia góp vốn.
KHÓ THÀNH HIỆN THỰC
Trong buổi tiếp xúc với cử tri là các doanh nhân, đồng chí Đào Tấn Lộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã yêu cầu các sở Tài chính, KH-ĐT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên và Hội Doanh nghiệp tỉnh đề xuất phương án khả thi để xây dựng Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từ nguồn ngân sách tỉnh, đóng góp của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Duy Vinh, Giám đốc Sở Tài chính, Chính phủ đã ban hành nghị định về việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cách đây hơn 10 năm, UBND tỉnh cũng nhiều lần bàn về việc thực hiện đề án này; nhưng trong thời gian qua cả doanh nghiệp và các ngân hàng đều không chịu góp vốn, nguồn thu của tỉnh lại hạn chế, nên đến nay việc xây dựng Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa thể thực hiện được.
Ông Nguyễn Văn Hàn, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên giải thích: Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chỉ là chi nhánh trực thuộc, không có tư cách pháp nhân nên cũng không có thẩm quyền góp vốn. Đồng thời cũng có nhiều vấn đề đặt ra trong việc huy động vốn và bảo lãnh cho vay. Ông Hàn phân tích: Hiện nhiều doanh nghiệp không có vốn hoạt động thì sẽ đóng góp ra sao? Để được quỹ bảo lãnh cho vay vốn, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo được các điều kiện rất chặt chẽ thì họ có đáp ứng được không? Vả lại, với số tiền tối thiểu 30 tỉ đồng theo quy định thành lập quỹ thì bảo lãnh được cho bao nhiêu doanh nghiệp vay vốn? Nếu được quỹ bảo lãnh, doanh nghiệp vừa mất phí, vừa phải trả lãi vay ngân hàng thì họ có chấp nhận được không?
Ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên thì lo ngại: Vì có sự góp vốn của ngân hàng và do ngân hàng quản lý nên Ban quản lý Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ định ra một loạt rào cản khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó. Hội Doanh nghiệp đang có ý tưởng xây dựng Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ do Hội quản lý. Quỹ này sẽ có một số cơ chế mở hơn trong quá trình thẩm định dự án để doanh nghiệp dễ dàng được vay vốn.
LÊ HẢO