Thứ Ba, 08/10/2024 18:42 CH
Trồng rừng còn nhiều khó khăn
Thứ Năm, 18/10/2012 09:00 SA

Hiện toàn tỉnh đã trồng gần 1.000ha rừng tập trung trên tổng số 4.785ha. Chi cục Lâm nghiệp tỉnh đang tích cực đôn đốc các chủ vườn ươm bón thúc cây giống, chuẩn bị xuất vườn phục vụ trồng rừng năm 2012 đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch.

 

trong-rung121018.jpg

Các vườn ươm bón thúc cây giống chuẩn bị xuất vườn phục vụ trồng rừng - Ảnh: P.NAM

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ

 

Theo Chi cục Lâm nghiệp (Sở NN-PTNT Phú Yên), tổng lượng cây giống tại các vườn ươm trong tỉnh hiện có hơn 5,8 triệu cây, keo và bạch đàn chiếm gần 4,8 triệu cây, còn lại là nhóm giống cây gỗ lớn như sao đen, xà cừ và phi lao. Trong đó, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng gần 300.000 cây; các cơ sở sản xuất kinh doanh giống hơn 2,1 triệu cây; vườn ươm hộ gia đình gần 3,4 triệu cây, phần lớn cung cấp cho dự án KFW6. Với lượng cây giống trên, đảm bảo trồng mới 4.785ha rừng tập trung theo kế hoạch, tăng hơn 1.200ha so với năm 2011. Đến thời điểm này các địa phương đã trồng được gần 1.000ha nhưng do thiếu vốn nên năm nay không tổ chức trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, mặc dù kế hoạch đưa ra từ đầu năm sẽ trồng 250ha.

 

Là địa phương có diện tích rừng trồng lớn nhất tỉnh, tuy mới vào mùa trồng rừng nhưng huyện Đồng Xuân đã trồng được hơn 140ha trên tổng diện tích 2.000ha và 2 triệu cây phân tán theo kế hoạch. Địa phương này đang tiếp tục phát dọn thực bì, đào hố chuẩn bị trồng thêm 582ha rừng tại các xã Xuân Lãnh, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3 và Xuân Phước. Các địa phương còn lại đang chờ phê duyệt hồ sơ thiết kế để tiếp tục trồng rừng tập trung, bảo đảm tiến độ đề ra.

 

Theo kế hoạch, năm 2012 huyện Sơn Hòa phấn đấu trồng khoảng 400ha rừng tập trung. Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, đơn vị đang đôn đốc các tổ chức, cá nhân phát dọn thực bì, chuẩn bị cây giống, chờ thời tiết thuận lợi sẽ đồng loạt trồng rừng; đồng thời phối hợp với các ngành liên quan khảo sát diện tích đất lâm nghiệp để xin bổ sung quy hoạch chi tiết vùng trồng rừng kinh tế của Công ty cổ phần Trường Thành Xanh 553ha tại các tiểu khu 146, 147, V3.1, thuộc địa bàn xã Phước Tân.

 

Ông Phạm Ngọc Minh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết, ngành đang đôn đốc các đơn vị trồng rừng chủ động nguồn lực nhân công, vật tư và vốn để triển khai trồng rừng tập trung; kiểm tra vườn ươm và cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống cây con cho các đơn vị sản xuất giống phục vụ trồng rừng; ưu tiên các hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn trồng rừng sản xuất, cây phân tán trên đất trống, đồi núi trọc theo quy định; đồng thời triển khai thực hiện Dự án quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 ngay sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.

 

NHIỀU KHÓ KHĂN

 

Theo Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, hiện vẫn chưa có thông tư hướng dẫn Quyết định số 57 ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 để địa phương làm cơ sở áp dụng thực hiện; nguồn vốn đầu tư cho phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng chưa đảm bảo theo yêu cầu thực tế, vì vốn cân đối của trung ương hiện chỉ có 15 triệu đồng/ha, trong khi đó vốn hỗ trợ của địa phương không có. Trên thực tế, công tác này đòi hỏi phải đầu tư khoảng 30-35 triệu đồng/ha/4 năm mới đảm bảo yêu cầu, do trồng rừng ngày càng xa khu dân cư, chưa có hệ thống giao thông. Mặt khác, hiện quy hoạch kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện, xã chưa được lập; các dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo các quyết định 147/2007 và 66/2012 của Thủ tướng Chính phủ chưa có, gây khó khăn trong xây dựng kế hoạch trung hạn bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh giai đoạn 2013-2015; công tác giao đất, giao rừng cho các tổ chức chưa hoàn thiện; diện tích đất lâm nghiệp và đất có rừng tự nhiên do UBND cấp xã quản lý tương đối nhiều, nhưng gần như chưa có chủ thực sự; quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, xã chưa được hoàn chỉnh nên chưa huy động được các nguồn thu từ dịch vụ môi trường, khai thác rừng trồng… để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.

 

Từ những vướng mắc, tồn tại trên, theo ông Phạm Ngọc Minh, các bộ, ngành Trung ương cần xem xét, bố trí đủ vốn đầu tư phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng, đảm bảo rừng trồng sau kết thúc đầu tư đạt hiệu quả thành rừng và phát huy hết chức năng. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT sớm ban hành thông tư hướng dẫn Quyết định số 57 ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 để các địa phương có cơ sở áp dụng thực hiện. Cụ thể, hướng dẫn thành lập các Ban quản lý dự án cơ sở và cơ chế điều hành dự án; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cơ chế triển khai thực hiện, thanh quyết toán dự án cũng như các hoạt động kiểm tra, giám sát cho các chủ đầu tư; sớm thông qua dự thảo cơ chế hưởng lợi từ rừng phòng hộ, đặc dụng và những cơ chế chính sách liên quan đến việc định giá rừng, cho thuê rừng để các chủ đầu tư có cơ sở triển khai thực hiện… Phấn đấu năm 2013, Phú Yên trồng mới 581ha rừng đặc dụng, 2.500ha rừng sản xuất và 1.042ha rừng trồng sau khai thác; đầu tư hai dự án rừng đặc dụng Đèo Cả và Krông Trai; xây dựng vườn ươm cây giống có diện tích 10.000m2 và 4km đường lâm nghiệp…

 

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Muôn vẻ dịch vụ spa
Thứ Tư, 17/10/2012 11:00 SA
5 giải pháp bảo mật cho doanh nghiệp
Thứ Tư, 17/10/2012 09:30 SA
Hoa tươi tăng giá
Thứ Tư, 17/10/2012 09:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek