Lúa vụ 10-12 (thường gọi là vụ mùa), toàn tỉnh đã gieo sạ hơn 6.670ha. Nông dân sản xuất lúa vụ mùa với nhiều nỗi lo thường trực, vì khô hạn, ngập lụt luôn đe dọa.
Nông dân xã An Hòa (Tuy An) bơm nước tưới lúa vụ mùa - Ảnh: H.NAM
Huyện Tuy An có diện tích lúa vụ mùa 2012 lớn nhất tỉnh với 2.096ha. Sản xuất lúa vụ mùa không chủ động nguồn nước tưới mà chủ yếu dựa vào thời tiết. Thông thường, bà con nông dân xuống giống từ cuối tháng 9 đầu tháng 10, thời tiết thường có mưa. Tuy nhiên, không phải năm nào thời tiết cũng theo một quy luật nhất định. Ông Lương Công Nga, ở xã An Cư (Tuy An) cho biết: “Có năm đến thời điểm gieo sạ thì trời đổ mưa, chúng tôi be bờ giữ nước cày sạ; có năm trời nắng nên phải cày gieo khô. Thời điểm gieo khô nếu sau đó có mưa thì thuận lợi cho cây lúa nảy mầm, còn gặp nắng kéo dài thì lúa mọc thưa thớt”.
Lo lắng về sản xuất lúa vụ mùa, bà Bùi Thị Mới ở thôn Phú Điềm (xã An Hòa, Tuy An) cho biết: “Sản xuất lúa vụ mùa, chúng tôi phập phồng lo âu vì chủ yếu dựa vào nước trời. Vụ nào mưa thuận gió hòa thì có vài bao chở về nhà dự trữ để ăn. Có vụ, thời điểm lúa phát triển tốt thì ngập lụt, gặt một sào chỉ 3 bao lúa (mỗi bao 50kg)”. Theo nhiều nông dân, bước vào sản xuất lúa vụ mùa năm nay thời tiết thuận lợi, mưa nắng đan xen nên cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh nhưng lo ngại cuối vụ gặp mưa lũ kéo dài. Ông Nguyễn Minh Công, Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết: Trên cùng một cánh đồng nhưng có đám được mùa, có đám thất thu. Toàn xã có 340ha lúa vụ 10-12, có năm thời tiết không thuận lợi làm giảm năng suất từ 30-50.
TX Sông Cầu có diện tích lúa vụ mùa đứng thứ hai trong tỉnh với 1.300ha. Những năm qua, nhiều nông dân ở các xã Xuân Bình, Xuân Lộc “dở khóc, dở mếu” vì tình trạng lúa mất mùa. Ông Trần Bảy ở xã Xuân Bình bày tỏ: “Do không chủ động nguồn nước tưới, sau khi gieo sạ trời nắng ruộng khô cứng, cây lúa không sống nổi. Cũng do không chủ động nguồn nước nên khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng phụ thuộc vào thời tiết. Giai đoạn lúa cần bón phân thúc đồng thì trong ruộng thiếu nước phải chờ… trời mưa nên năng suất giảm. Ông Nguyễn Tấn Thi, Trưởng Trạm bảo vệ thực vật TX Sông Cầu cho biết: “Năng suất lúa vụ mùa năm 2011, Sông Cầu đạt 30,5 tạ/ha. Đất lúa vụ mùa ở đây chủ yếu đất cát pha, mưa thì nhão, nắng khô cứng nên khó chuyển đổi cây trồng, còn sạ lúa thì khó khăn trong khâu chăm sóc phòng trừ sâu bệnh”.
Các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất lúa vụ mùa vì thiếu nước tưới, hơn nữa vì là huyện miền núi nên đa số diện tích lúa vụ mùa nằm ở khu vực gò đồi, phụ thuộc nước trời nên năng suất thấp.
Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Năm 2011 lúa vụ mùa chỉ đạt 30,5 tạ/ha, sản lượng đạt 20.100 tấn. Sản xuất lúa vụ mùa chủ yếu dựa vào trời mưa, nông dân gieo sạ dứt điểm tháng 10, tập trung thu hoạch cuối tháng 12. Nếu năng suất lúa đạt trên 60 tạ/ha, nông dân mới có lãi 30%, nhưng với trình trạng này, lúa vụ mùa ở các huyện sẽ đạt không quá 36 tạ/ha. Vì vậy, các địa phương cần chỉ đạo bà con nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp. Sau khi thu hoạch, ngành nông nghiệp cũng cần chỉ đạo các địa phương tập trung làm đất đưa vào sản xuất các cây màu vụ đông xuân như: Bắp lai, đậu tương, đậu xanh, bông vải và một số cây trồng cạn tăng thêm thu nhập.
MẠNH HOÀI NAM