Thứ Ba, 26/11/2024 23:38 CH
Người nuôi heo giấu bệnh tai xanh
Thứ Năm, 18/10/2012 14:00 CH

Hiện nhiều đàn heo ở các xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung và Hòa Xuân Đông (Đông Hòa) bị mắc bệnh với các triệu chứng sốt cao, đỏ mình, bỏ ăn và lây lan mạnh. Điều đáng nói là hầu hết các hộ nuôi đều giấu bệnh heo, ngành thú y đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút tai xanh.

 

heo121018.jpg

Đàn heo của gia đình ông Văn Phú Bá được lấy mẫu kiểm định và có kết quả bị bệnh tai xanh - Ảnh: T.HƯƠNG

HEO BỆNH Ở NHIỀU NƠI

 

Hơn một tuần qua, nhiều đàn heo trên địa bàn xã Hòa Hiệp Bắc bị nhiễm bệnh với các triệu chứng sốt cao, đỏ mình, bỏ ăn, táo bón; heo nái bị sẩy thai. Ông Văn Phú Bá ở thôn Phước Lâm (Hòa Hiệp Bắc) cho biết: Đàn heo hơn 80 con của gia đình tôi bắt đầu đổ bệnh cách đây khoảng một tuần, làm cho mấy con heo nái bị sẩy thai và chết 9 con heo con. Tôi đã phải xuất bán sớm 30 con, hiện còn lại 40 con gia đình đang tiếp tục điều trị bằng các loại kháng sinh và nước lá.

 

Bà Nguyễn Thị Lài ở thôn Uất Lâm (Hòa Hiệp Bắc) cho hay: Ban đầu bệnh xuất hiện ở mấy con heo nái đang có thai, làm chúng bị sẩy toàn bộ, sau đó lan nhanh sang cả đàn heo thịt với các triệu chứng sốt cao, đỏ mình và bỏ ăn. Gia đình tôi thông báo thú y đến để điều trị, hiện vẫn chưa khỏe hoàn toàn. Theo ông Đặng Minh Lài, cán bộ thú y xã Hòa Hiệp Bắc, sau khi được điều trị bằng một số loại kháng sinh và cho uống loại nước giải nhiệt nấu từ các loại lá như rau bát, chuối mốc, đinh lăng, cam đục…, nhiều đàn heo đã dần hồi phục, bắt đầu ăn trở lại.

 

Ông Lê Thanh Long, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Bắc cho biết: Từ ngày 7/10, sau khi nhận được tin báo của các thú y viên về tình hình heo bị nhiễm bệnh, địa phương đã báo cáo và phối hợp với Trạm thú y huyện Đông Hòa đi kiểm tra. Kết quả, hiện toàn xã có khoảng 400 con heo bị nhiễm bệnh, chiếm khoảng 50% tổng đàn heo của xã, trong đó có 40 heo nái, còn lại là heo thịt. Bệnh trên heo xuất hiện ở 3 thôn Mỹ Hòa, Uất Lâm và Phước Lâm với gần 50 hộ nuôi có heo bị bệnh.

 

Hiện dịch bệnh ở heo đang tiếp tục lây lan nhanh sang các địa phương lân cận. Xã Hòa Hiệp Trung cũng có một số heo bắt đầu bị nhiễm bệnh với các triệu chứng tương tự. Ông Nguyễn Phú Sơn, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Trung cho biết: Bệnh dịch bắt đầu xuất hiện trên đàn heo của xã từ ngày 10/10 với các triệu chứng đỏ mình, sốt cao, bỏ ăn và sẩy thai ở heo nái đang có mang. Tại xã Hòa Xuân Đông, từ ngày 11/10 ngành thú y cũng phát hiện nhiều ổ heo bệnh ở các thôn Phú Khê và Bàn Thạch với tổng số 60 con heo bị bệnh. Hiện cán bộ thú y đã điều trị khỏi 20 con.

 

Ông Nguyễn Minh Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Chi cục đã phối hợp với Trạm Thú y huyện Đông Hòa tiến hành kiểm tra và lấy 6 mẫu bệnh phẩm trên 2 đàn heo nuôi của hộ ông Hà Tấn Lư và Văn Phú Bá ở xã Hòa Hiệp Bắc để gửi xét nghiệm tai xanh ở Cơ quan thú y vùng 4 tại Đà Nẵng, cho kết quả dương tính với vi rút tai xanh.

 

NGƯỜI NUÔI GIẤU BỆNH

 

Ông Đặng Minh Lài, cán bộ thú y xã Hòa Hiệp Bắc cho biết: Khi bệnh dịch ở heo xảy ra, đa số người chăn nuôi không báo cáo cho cơ quan chức năng mà chỉ gọi thú y ngoài điều trị. Sau một thời gian điều trị không khỏi và thấy tốc độ lây lan nhanh, các thú y viên này mới báo cho xã hay. Lúc đó chúng tôi mới tiến hành đi kiểm tra, xác minh, hướng dẫn cách điều trị và có biện pháp theo dõi, giám sát đàn.

 

Không những không báo cáo bệnh dịch mà hầu hết các hộ nuôi heo khi có heo bệnh đều tìm cách bán tháo đàn. Bà Nguyễn Thị Huệ ở thôn Phú Hiệp 3 (xã Hòa Hiệp Trung) cho biết: Khi phát hiện đàn heo bị bệnh, gọi thú y điều trị mấy ngày nhưng không thấy đỡ bệnh nên tôi đã bán hết, mặc dù heo vẫn còn nhỏ, bán phải chịu lỗ. Theo ông Nguyễn Mân, cán bộ thú y xã Hòa Hiệp Trung, hiện là thời điểm người chăn nuôi tăng đàn cho vụ nuôi heo tết, tổng đàn heo của xã Hòa Hiệp Trung khoảng 1.500 con, 70% trong số này được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo yêu cầu như: Dịch tả, tụ huyết trùng và thương hàn. Vì vậy khi đàn heo bị nhiễm vi rút tai xanh vẫn không lo ngại nhiều vì sẽ ít bị nhiễm thêm các bệnh khác, dễ điều trị hơn. Tuy nhiên, chu kỳ điều trị bệnh tai xanh kéo dài hơn 10 ngày nên nhiều người nuôi khi mới điều trị 2-3 ngày chưa thấy đỡ đã vội vàng bán tháo đàn đi, chịu lỗ không ít và còn dễ gây lây lan trên diện rộng. Chính vì người chăn nuôi không phối hợp nên công tác chống bệnh dịch của địa phương gặp nhiều khó khăn.

 

Theo Trạm thú y huyện Đông Hòa, một trong những nguyên nhân chính khiến người chăn nuôi khi phát hiện heo bệnh không muốn báo cáo với cơ quan chức năng là bởi, bà con e ngại khi phát hiện ra heo bệnh sẽ bị khoanh vùng, xử lý dịch, không được phép giết mổ, mua bán và tốn thêm nhiều chi phí điều trị… Ông Nguyễn Minh Hòa cho biết: Theo quy định của ngành thú y, địa phương nào có heo bệnh tai xanh thì vẫn được phép mua bán, giết mổ và tiêu thụ trong vùng đối với heo khỏe mạnh; đối với heo bệnh sẽ được điều trị với phát đồ trên 7 ngày, sau đó không có dấu hiệu thuyên giảm mới tổ chức tiêu hủy theo quy định.

 

Hiện Chi cục Thú y đã cấp gần 100 lít thuốc sát trùng cho các địa phương này để triển khai phun tiêu độc sát trùng môi trường khu vực các ổ bệnh và các vùng lân cận. Chi cục cũng phối hợp với các địa phương tuyên truyền vận động người chăn nuôi phối hợp chống dịch, không giấu dịch và không bán heo bệnh đi nơi khác, tránh lây lan trên diện rộng.

 

TUYẾT HƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek