Ngày 20/9, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn “Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp” nhằm đánh giá hiện trạng của thị trường tài chính, vốn và hoạt động của các ngân hàng, cũng như tìm ra giải pháp để khơi thông nguồn vốn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, hiện nay, hầu như DN không còn “sức” để đi vay cũng như không dám vay. Điều này lý giải vì sao đến đầu tháng 9/2012 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 1,82%, tức còn rất xa so với chỉ tiêu từ 8-10% của cả năm. Ngoài ra, mặc dù Nhà nước yêu cầu các ngân hàng khoanh, giãn nợ, hoặc điều chỉnh lãi suất nhưng nếu các ngân hàng không thực hiện hoặc thực hiện chậm thì vẫn không mang lại cơ hội cho DN.
Nhằm khơi thông nguồn vốn cho DN, một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lạm phát thấp như hiện tại, các cơ quan chức năng nên sớm xem xét lộ trình dỡ bỏ trần lãi suất huy động vốn trong dân cư, kết hợp với việc áp dụng phương thức quản lý, phòng chống chạy đua về lãi suất. Chỉ nên áp dụng biện pháp “hành chính” ở lãi suất cho vay, nhưng là hành chính mềm, can thiệp lãi suất trong ngắn hạn. Đặc biệt, giới chuyên gia và DN mong muốn Nhà nước có cơ chế kiểm soát, xóa bỏ hình thức sở hữu chéo giữa ngân hàng và DN để triệt tiêu khả năng lũng đoạn của các nhóm lợi ích.
Theo TTXVN