Thứ Bảy, 05/10/2024 06:17 SA
Dự án trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ thay thế nương rẫy:
Hiệu quả thấp
Thứ Năm, 20/09/2012 08:21 SA

Nằm trong chương trình 5 triệu hecta rừng, dự án Trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ thay thế nương rẫy của tỉnh Phú Yên được thực hiện từ năm 2010-1017 với mục tiêu trồng mới 976ha, chủ yếu là cây keo lai.

trong-rung120920.jpg

Người dân huyện Đồng Xuân chăm sóc cây giống trồng rừng - Ảnh: P.NAM

Dự án do Chi cục Kiểm lâm Phú Yên làm chủ đầu tư, được thực hiện tại 16 xã thuộc 4 huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh và Phú Hòa với 751 hộ, 3.719 khẩu đều là đồng bào dân tộc thiểu số hưởng lợi. Đây là những diện tích đang sản xuất hoặc nương rẫy cũ bỏ hoang nhưng nằm trong đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp của tỉnh. Theo kế hoạch của dự án, hai năm đầu từ 2010 đến 2011 phải trồng mới 976ha, trong đó có 61ha rừng phòng hộ và 915ha rừng sản xuất với định mức 3 triệu đồng/ha. Những năm tiếp theo người dân chăm sóc và được hỗ trợ gạo dưới hình thức thanh toán bằng tiền mặt theo từng quý với tổng lượng gạo là 2.600 tấn.

Trên thực tế những hộ tham gia dự án đã góp phần khôi phục lại rừng và tăng thêm thu nhập cho gia đình. Như ở thôn Suối Cau (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) có 7 hộ trồng 3,1ha keo lai đang phát triển rất tốt. Trong đó riêng gia đình ông Y Khòm có 4 người trồng hơn 1,6ha trên sườn đồi Hòn Dục, qua hai năm rừng keo lai đã cao hơn 2m. Tương tự, nhiều hộ dân trong thôn như Y Bửu, Y Nhỏ, Y Lẫn… cũng tích cực tham gia trồng rừng trên những rẫy đất cằn cỗi, bạc màu và độ dốc cao. Tuy nhiên, thống kê của Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho biết qua hai năm thực hiện trồng mới dự án này chỉ đạt gần 183ha, đạt 18,7% kế hoạch; đồng thời cũng chỉ có 218 hộ tham gia, chiếm 29% so số hộ đăng ký ban đầu.

Ông Nguyễn Văn Dư, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất thay thế nương rẫy tỉnh Phú Yên cho biết, mặc dù đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm thường xuyên đi thực tế phối hợp với ban ngành, đoàn thể các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia, như tổ chức họp dân tuyên truyền trực tiếp và trên đài truyền thanh cơ sở về mục đích và quyền lợi từ dự án, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên số hộ và diện tích trồng còn thấp so với đăng ký ban đầu.

Theo Ban quản lý dự án trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất thay thế nương rẫy tỉnh Phú Yên, ngoài một số hộ tích cực tham gia thực hiện, phần lớn bà con chưa nhận thức đầy đủ hiệu quả tích cực của dự án, dẫn đến chưa mặn mà hoặc tham gia hời hợt. Nguyên nhân quan trọng nhất là vào thời điểm trồng mới do giá sắn, mía tăng cao nên mặc dù bà con đã đăng ký và được cấp số lâm bạ nhưng bà con không thực hiện như ký kết hợp đồng ban đầu và chuyển sang trồng hai loại cây trên. Đơn cử, một hecta trồng mía, sau một năm thì thu hoạch và sau khi trừ toàn bộ chi phí người dân thu lãi từ 30 đến 40 triệu đồng. Nếu trồng sắn tuy thu nhập thấp hơn nhưng cũng đạt từ 12 triệu đến 20 triệu đồng. Trong khi đó nếu trồng rừng sản xuất thì sau 7 năm mới bắt đầu thu hoạch nhưng thu nhập không thể nào bằng trồng mía và sắn. Huyện Sơn Hòa có 352 hộ đăng ký trồng 318ha, nhưng qua hai năm địa phương này chỉ thực hiện gần 46ha, đạt 14,5% kế hoạch. Tương tự, huyện Sông Hinh có 243 hộ đăng ký tham gia trồng hơn 377ha nhưng kết quả cũng chỉ có 62 hộ tham gia trồng 67ha…

Nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là bất cập trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ gạo. Theo Quyết định số 253/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Yên về quy định mức trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi tham gia dự án Trồng rừng thay thế nương rẫy (thuộc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng), đối với những hộ có số nhân khẩu nhiều nhưng tham gia chuyển đổi diện tích nương rẫy ít thì mức trợ cấp được tính theo diện tích nương rẫy thực tế được chuyển đổi 1ha được cấp 700kg gạo/năm. Đối với hộ gia đình có nhân khẩu ít nhưng tham gia chuyển đổi diện tích nương rẫy nhiều thì mức trợ cấp tính theo nhân khẩu là 10kg/người/tháng. Cụ thể, hộ Nguyễn Văn Thi ở Thồ Lồ (xã Phú Mỡ, Đồng Xuân) chỉ trồng 0,15ha nhưng có đến 7 khẩu nên được nhận hỗ trợ mỗi năm 105kg gạo (tương đương 700kg/năm). Trong khi đó, hộ ông La Lan Thảm ở thôn Kỳ Đu (xã Xuân Quang 2, Đồng Xuân) trồng 1,16ha, gấp hơn 7,7 lần diện tích rừng trồng của ông Thi nhưng vì gia đình có 3 khẩu nên mỗi tháng chỉ nhận 30kg gạo (tương đương 360kg gạo/năm)…

 

Hiện nay, kế hoạch trồng mới của dự án đã kết thúc nhưng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên với tư cách là chủ đầu tư vẫn phải tiếp tục chính sách hỗ trợ gạo cho đồng bào đến năm 2017. Thiết nghĩ đây cũng là bài học cần rút kinh nghiệm trong việc tìm ra những giải pháp tích cực trong việc xã hội hóa để thực hiện có hiệu quả Chương trình 5 triệu ha rừng ở Phú Yên.

 

PHƯƠNG NAM - THẾ LẬP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek