Hình thức bán hàng trả góp thông qua một đơn vị tài chính, ngân hàng làm trung gian đang phổ biến trong vài năm qua. Hình thức này vừa giúp các đơn vị kinh doanh đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, vừa giúp người tiêu dùng thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với những loại hàng hóa có giá trị cao.
Khách mua hàng trả góp tại một cửa hàng máy tính ở Tuy Hòa - Ảnh: N.XUÂN
Hình thức bán hàng trả góp thông qua một đơn vị tài chính, ngân hàng đã xuất hiện nhiều năm nay. Khách hàng chỉ cần trả trước từ 20-40% giá trị hàng hóa là có thể sở hữu món hàng. Số còn lại trả dần với lãi suất từ 13-19,5%/năm, tùy đối tượng khách hàng là cán bộ, công chức hay người kinh doanh tự do.
Ông Nguyễn Thành Vũ, cửa hàng trưởng cửa hàng xe máy 04 Lê Lợi, cho biết: Từ khi chúng tôi phối hợp với các ngân hàng bán xe trả góp, ngày càng có nhiều khách hàng tiếp cận được với xe máy, đặc biệt là các dòng xe có giá trị cao. Hiện nay, lượng xe bán theo hình thức trả góp chiếm khoảng 30% tổng lượng xe tiêu thụ hàng tháng của cửa hàng chúng tôi. Còn bà Võ Thị Phương Thu, Phó giám đốc Công ty Điện tử Phú Thu, cho biết: Năm nay, người tiêu dùng không chỉ mua hàng trả góp ở những dòng sản phẩm có giá trị cao, mà ngay đến những sản phẩm giá trị từ 3 triệu đồng cũng đã có người mua bằng hình thức trả góp. Các sản phẩm mua trả góp thường là những hàng tiêu dùng như tủ lạnh, máy lạnh, ti vi, máy giặt… Nhờ vậy, của hàng vẫn giữ được mức tiêu thụ ổn định. Bà Thu cho biết thêm, các đơn vị bán hàng chỉ cố gắng thỏa thuận để đạt mức lãi suất có lợi cho khách hàng và giảm tải các thủ tục bán hàng. Vấn đề về lãi suất, thời hạn và hình thức thanh toán sẽ do người mua hàng và nhân viên ngân hàng tự thỏa thuận. Trước khi mua hàng, người tiêu dùng sẽ được một nhân viên của đơn vị tài chính, ngân hàng (làm việc tại cửa hàng) tư vấn về các thông tin cần thiết. Nếu cảm thấy hợp lý, khách hàng đồng ý mua theo hình thức này thì nhân viên tư vấn của đơn vị cho vay sẽ làm thủ tục để khách hàng nhận sản phẩm.
Với hình thức bán hàng trả góp, người tiêu dùng thu nhập thấp cũng có thể sở hữu những món hàng có giá trị cao. Bà Nguyễn Thị Phi ở xã Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) giải bày: “Con trai tôi vừa đậu đại học ngành Công nghệ thông tin nên tôi phải cố gắng mua cho cháu máy tính nhưng đến giờ vẫn chưa đủ tiền. Được người thân giới thiệu nên tôi mua theo hình thức trả góp để cháu có điều kiện học. Tôi thấy hình thức này rất tiện vì có thể giúp cho những người có ít tiền vẫn mua được những sản phẩm có giá trị cao mà không phải thế chấp”.
Ông Nguyễn Công Phát, nhân viên tư vấn của Công ty Tài chính SGVF, cho biết: Hiện kinh tế khó khăn trong khi chất lượng cuộc sống đã được nâng cao nên nhu cầu vay tiền mua các mặt hàng thiết yếu có giá trị cao là rất lớn. Số khách hàng mua hàng trả góp luôn chiếm từ 30-40% tổng số hàng bán ra của các doanh nghiệp. Điều này cho thấy bán hàng trả góp đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng, giúp doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa trong thời điểm kinh tế khó khăn.
Điểm khác biệt cơ bản của việc tính lãi suất của các công ty phối hợp bán hàng trả góp và các ngân hàng là trong khi ngân hàng tính lãi suất giảm theo số tiền đã trả thì các đơn vị cho vay bán hàng trả góp lại giữ nguyên mức lãi suất cho tổng số tiền còn nợ lúc đầu. Như vậy, tổng số tiền lãi phải trả sẽ cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. Do không có tiền nên nhiều người tiêu dùng phải chấp nhận mức lãi suất trên. Do vậy, khi đi mua hàng theo hình thức trả góp, người tiêu dùng nên yêu cầu nhân viên tư vấn giải thích cụ thể các điều khoản trong hợp đồng.
HƯƠNG XUÂN