Máy dò ngang là thiết bị hiện đại phục vụ khai thác thủy sản, đã và đang được ngư dân nhiều nước sử dụng trên tàu lưới vây rút chì, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản. Ở Việt Nam, máy dò ngang được ứng dụng vào tàu lưới vây rút chì từ ba năm nay, giúp nhiều ngư dân nâng cao năng suất, hiệu quả khai thác hải sản trên biển.
Ngư dân chuyển cá từ tàu vào bờ - Ảnh: K.TÂN
Ở Phú Yên hiện có 528 tàu làm nghề lưới vây rút chì, trong đó 143 tàu có công suất từ 90CV đến 400CV, hoạt động ở ngư trường khơi xa; còn lại phần lớn là tàu có công suất từ 20CV đến dưới 90CV, hoạt động ở ngư trường lộng và gần bờ. Tàu làm nghề lưới vây tập trung ở huyện Đông Hòa, Tuy An, TP Tuy Hòa và một số ít ở TX Sông cầu. Nhiều năm qua, nghề lưới vây đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho khoảng 4.000 lao động địa phương. Trước tình hình nguồn lợi thủy sản vùng lộng và gần bờ ngày càng suy giảm, nhu cầu hiện đại hóa máy móc, trang thiết bị để nâng cao năng lực tàu thuyền, vươn khơi khai thác có hiệu quả hơn là vấn đề cấp thiết đối với nhiều ngư dân. Vài năm nay ở Phú Yên có khoảng 20 tàu lưới vây rút chì được trang bị máy dò ngang, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhằm định hướng ngư dân đẩy mạnh hiện đại hóa trang thiết bị máy khai thác, năm 2011 và 2012 Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên đã triển khai mô hình ứng dụng máy dò ngang trên tàu lưới vây rút chì để làm cơ sở cho việc nhân rộng ứng dụng loại máy này đối với nghề lưới vây rút chì.
Từ thành công của mô hình ứng dụng máy dò ngang triển khai từ năm 2011 trên tàu PY95001TS do ông Biện Quang ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa) làm chủ tàu, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên tiếp tục được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ kinh phí để tiếp tục triển khai tại Phú Yên. Ngày 25/6/2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên triển khai mô hình ứng dụng máy dò ngang JMC-CSL 1000 trên tàu cá PY97727TS do ông Nguyễn Trí Thành ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ (Tuy An) làm chủ tàu. Mô hình được Nhà nước hỗ trợ 142 triệu đồng, đồng thời hướng dẫn cách sử dụng máy, tổ chức tập huấn, tham quan cho một số bà con làm nghề tại địa phương. Chủ hộ được chọn triển khai mô hình tự lo chi phí đối ứng còn lại. Đây là mô hình ứng dụng máy dò ngang thứ hai được triển khai tại Phú Yên và là mô hình đầu tiên được triển khai tại huyện Tuy An. Việc triển khai thực hiện mô hình này hứa hẹn sẽ góp phần hiện đại hóa nghề khai thác thủy sản trên địa bàn Phú Yên.
Kể từ sau khi lắp đặt máy dò ngang và tiến hành chạy thử 2 chuyến biển, tàu của ông Nguyễn Trí Thành hoạt động đạt kết quả cao. Chuyến thứ nhất hoạt động 21 ngày, sản lượng đạt 45 tấn cá nục đuôi đỏ và nục xanh; ngoài ra còn có mực nang, cá dìa... Tổng doanh thu đạt khoảng 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí trực lãi 330 triệu đồng, bình quân mỗi lao động có thu nhập 12,5 triệu đồng, tăng gấp 2,5 lần so với trước khi lắp máy dò ngang. Riêng chủ tàu có thu nhập 165 triệu đồng. Chuyến thứ hai hoạt động 23 ngày, tuy gặp khó khăn hơn về điều kiện thời tiết, nước chảy mạnh, nhưng tàu của ông Thành vẫn thu được 40 tấn hải sản, doanh thu trên 350 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, còn lãi 280 triệu đồng. Ông Nguyễn Trí Thành phấn khởi cho biết: Nhờ được trang bị máy dò ngang mà mấy chuyến biển vừa rồi tàu của tôi hoạt động rất hiệu quả, người lao động có thu nhập cao hơn trước đây. Tôi nghĩ, Nhà nước nên tạo điều kiện tiếp tục hỗ trợ để có thêm nhiều ngư dân được lắp đặt, sử dụng máy dò ngang để nâng cao hiệu quả khai thác và tăng thu nhập.
Từ kết quả mang lại tại hộ ông Nguyễn Trí Thành, mô hình lắp đặt máy dò ngang trên tàu lưới vây rút chì đang khẳng định hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay giá máy dò ngang tương đối cao, trong khi phần lớn ngư dân làm nghề lưới vây rút chì điều kiện kinh tế còn khó khăn. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngư dân làm nghề lưới vây rút chì có điều kiện trang bị máy dò ngang để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng khả năng bám biển và tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
NGUYỄN KHẮC TÂN
(Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên)