Với bờ biển dài khoảng 190km, Phú Yên có thế mạnh về khai thác và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, các hoạt động này trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, hiệu quả kinh tế chưa cao. Để thực sự “mạnh về biển, giàu từ biển”, Phú Yên cần có định hướng và những giải pháp phù hợp.
Mặc dù không có quy hoạch, nhưng Vũng Rô đang có nhiều lồng nuôi tôm hùm và cá mú tự phát của người dân - Ảnh: N.TRƯỜNG
ÀO ẠT TĂNG LỒNG NUÔI
Vùng biển Phú Yên có nhiều đầm, vịnh kín gió, diện tích rộng lớn, nguồn tôm hùm giống đánh bắt tự nhiên hàng năm vài triệu con nên rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi loại thủy sản này. Từ năm 1990 đến nay, bình quân số lồng nuôi tôm hùm ở Phú Yên tăng 11%/năm, sản lượng nuôi tăng 14%/năm. Đây là nghề mang lại lợi nhuận cao; những năm được mùa, được giá, người nuôi có lãi gấp 2-4 lần so với số vốn bỏ ra. Không ít người đã trở thành tỉ phú nhờ nuôi tôm hùm, trong đó tập trung nhiều nhất ở TX Sông Cầu.
Theo Sở NN-PTNT, năm 2011, Phú Yên thả nuôi hơn 29.100 lồng tôm hùm, sản lượng thu hoạch trên 500 tấn. Toàn tỉnh có 352 hộ nuôi từ 5.000 con trở lên, doanh thu hơn 2,2 tỉ đồng/hộ/năm, trừ chi phí còn lãi khoảng 1-1,5 tỉ đồng/hộ. Chính vì lợi nhuận cao mà người dân đổ xô vào nuôi tôm hùm. Trong 8 tháng đầu năm 2012, số lồng tôm hùm thả nuôi trên địa bàn toàn tỉnh tăng lên đến 35.000 lồng, gây nên hệ lụy phá vỡ quy hoạch, ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng nuôi. Dịch bệnh cũng bùng phát khiến tôm nuôi chết hàng loạt gây thiệt hại nặng về kinh tế. Tình trạng tôm hùm chết hàng loạt đã từng xảy ra vài năm trước nay lại tái diễn từ cuối tháng 2/2012 đến nay.
Thức ăn cho tôm hùm là các loài thủy sản ven bờ. Nếu nghề nuôi tôm hùm phát triển thì nguy cơ cạn kiệt nguồn thủy sản cũng khó tránh khỏi. Nhưng nếu không khai thác nguồn thức ăn này thì nghề nuôi tôm hùm sẽ khó tồn tại, vì hiện chưa sản xuất được thức ăn công nghiệp. Tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản ven bờ ở Phú Yên còn có một nguyên nhân khác là số lượng tàu thuyền ven bờ tăng cao. Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có 7.300 tàu cá, trong đó hơn 90% số lượng tàu thuyền đánh bắt gần bờ. Số tàu thuyền này tuy đóng góp không nhiều vào xuất khẩu thương mại nhưng lại rất quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm cho hàng vạn ngư dân nghèo. Tuy nhiên do nguồn lợi thủy sản ven bờ đã đến lúc cạn kiệt nên việc khai thác kém hiệu quả, đời sống của ngư dân khó khăn.
Thu mua tôm hùm ở TX Sông Cầu - Ảnh: A.NGỌC
CẦN TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ
Theo tính toán của ngành nông nghiệp, nếu nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên đạt sản lượng tôm thương phẩm khoảng 1.000 tấn/năm thì lượng thức ăn cho tôm hùm khoảng 19.000 tấn (tương đương 52 tấn/ngày). Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm vùng nuôi. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm ở Phú Yên trên 40.000 tấn, trong đó có khoảng 10.000 tấn cá tạp. Như vậy còn thiếu khoảng 9.000 tấn cá tạp phải mua từ các tỉnh lân cận để phục vụ cho nghề nuôi tôm hùm. Ông Nguyễn Ngọc Oai, Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm, Phú Yên cần có quy hoạch chi tiết. Công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng thức ăn cho tôm hùm từ các tỉnh đến Phú Yên chưa chặt chẽ. Phú Yên là một trong những tỉnh có nghề khai thác tôm hùm giống tự nhiên rất phát triển nhưng nguồn cung không đủ, vẫn phải mua con giống từ các tỉnh bạn nên việc quản lý cũng cần được tăng cường. Nếu tỉnh không quản lý tốt môi trường vùng nuôi thì rất dễ xảy ra dịch bệnh. Để thực sự “mạnh về biển, giàu từ biển” như mong muốn, Phú Yên cần có những định hướng, giải pháp phù hợp.
Năm 2000, Tỉnh ủy Phú Yên có nghị quyết về phát triển kinh tế biển. Theo đó, quy hoạch vùng nuôi tôm hùm đến năm 2020 ở TX Sông Cầu khoảng 18.000 lồng nhưng hiện nay đã lên đến 26.000 lồng. Vùng nuôi ở huyện Tuy An khoảng 100 lồng nhưng hiện cũng đã có gần 1.200 lồng. Tại Vũng Rô (Đông Hòa) không được quy hoạch nuôi tôm hùm mà phát triển công nghiệp đóng tàu, cảng biển nhưng đến nay cũng có trên 8.600 lồng nuôi tôm hùm và cá mú. Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Để khắc phục tình trạng trên, Sở NN-PTNT cần phối hợp các địa phương rà soát số lượng lồng, bè nuôi tôm hùm, diện tích quy hoạch, diện tích nuôi thực tế. Trên cơ sở đó sở đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp, đảm bảo phát triển hiệu quả và bền vững. Đồng thời Sở NN-PTNT cũng tăng cường chức năng quản lý thực hiện quy hoạch bằng cách đăng ký cơ sở nuôi, đánh số lồng bè tôm hùm, áp dụng VietGAP vào các vùng nuôi. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời các trường hợp nuôi tự phát, nuôi tại những vùng nước không quy hoạch cũng cần được tăng cường.
ANH NGỌC