Khuyến khích phát triển kinh tế phù hợp với đặc tính sinh thái từng vùng, ít chất thải, các - bon thấp, hướng tới nền kinh tế xanh... là quan điểm chỉ đạo được đề ra trong Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2020 kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống; nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Trên cơ sở đó, đến năm 2030 sẽ ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường sống; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải, các bon thấp vì sự thịnh vượng và phát triển bền vững đất nước.
Do vậy nội dung hoạt động về môi trường trong thời gian tới cần phải tập trung phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm. Tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường. Đồng thời, cần khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, vận động lối sống thân thiện với môi trường,... bản Chiến lược nhấn mạnh việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt cần khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường giai đoạn 2012 - 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định về tội phạm môi trường trong Bộ luật Hình sự để sớm đưa các tội phạm môi trường ra xét xử. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường. Cũng như phát triển ngành kinh tế môi trường để hỗ trợ các ngành kinh tế khác giải quyết các vấn đề môi trường, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thu nhập và việc làm.
Bên cạnh đó, tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường, tăng dần tỉ lệ chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường, phấn đấu đạt 2% tổ chi ngân sách. Đồng thời, nghiên cứu, hình thành các nguồn thu mới, từng bước tăng dần mức thu tương ứng với mức độ hưởng lợi từ môi trường hoặc mức độ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, góp phần giảm gánh nặng đầu tư cho bảo vệ môi trường từ nguồn ngân sách nhà nước, tạo nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ môi trường.
(Chinhphu.vn)