Trái với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, sau bốn ngày áp dụng phương thức thanh toán T+3, thị trường chứng khoán không thể bứt phá, chỉ số VN-Index vẫn giằng co từng điểm.
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại đại lý giao dịch chứng khoán Vietinbank SC Phú Yên - Ảnh: N.QUANG
Phương thức thanh toán T+3 được áp dụng từ phiên giao dịch ngày 4/9, nhằm giúp thời gian giao dịch được rút ngắn (nhà đầu tư mua hoặc bán cổ phiếu vào ngày thứ 2, giao dịch sẽ được thực hiện vào 9g sáng thứ 5, thay vì vào sáng thứ 6 như trước đây), cải thiện thanh khoản đang èo uột và giảm rủi ro, thế nhưng vẫn ít nhà đầu tư quan tâm đến phương thức thanh toán này. Minh chứng cho điều này là chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch ngày 4/9 ở mức 402,08 điểm, tăng 6,06 điểm so với ngày 31/8, nhưng đến phiên giao dịch ngày 7/9, chỉ số này chỉ còn 397,51 điểm, tổng giá trị giao dịch đạt 510,000 tỉ đồng (gần bằng phiên ngày 31/8 - ngày giao dịch liền kề của phiên ngày 4/9). Cá biệt có nhiều mã cổ phiếu giảm mạnh, như: KDC của Công ty cổ phần Kinh Đô giảm 4,8%; SJS của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà giảm 4,1%; KBC của Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc giảm 4,1%; PPC của Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại giảm 3%...
Ông Trần Văn Ninh ở phường 9, TP Tuy Hòa có kinh nghiệm hơn 4 năm đầu tư chứng khoán cho biết: “Trước mắt, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước áp dụng T+3 khó có thể tạo tác động thực sự tích cực đến thị trường, vì tín hiệu kinh tế thế giới và trong nước vẫn chưa khả quan. Doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn, hàng tồn kho nhiều, nên chúng tôi vẫn chưa tin tưởng vào sự “trợ lực” của phương thức thanh toán này. Thực tế, trong các phiên giao dịch gần đây, thị trường vẫn khá ảm đạm, lượng cổ phiếu giao dịch trên toàn sàn hầu như không tăng”. Còn theo đại diện của đại lý giao dịch chứng khoán Agribank và Vietinbank tại Phú Yên, dù khối lượng cổ phiếu bán ra và mua vào của 4 phiên gần đây không tăng, nhưng về lâu dài việc rút ngắn chu kỳ thanh toán chắc chắn sẽ “trợ lực” để thị trường cải thiện thanh khoản, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư hơn, vì T+3 là bước tiến lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá non trẻ như hiện nay.
Nhận định về thị trường chứng khoán trong tuần tới, hầu hết nhà đầu tư ở Phú Yên cho rằng, VN-Index sẽ dao động trong biên độ hẹp, từ 300 đến 405 điểm, tương quan cung - cầu cân bằng và tâm lý thận trọng vẫn còn phổ biến ở nhà đầu tư. “Với tình hình hiện tại, có hai kịch bản có thể xảy ra trong tuần tới: Một là, thị trường tăng điểm mạnh trong ngắn hạn nhờ vào việc nới lỏng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế; hai là, thị trường vẫn tiếp tục xu hướng dao động ở biên độ hẹp như các phiên gần đây. Tuy nhiên dù thế nào đi nữa, ở thời điểm này, giải pháp “án bình” để tiếp tục nghe ngóng diễn biến thị trường vẫn là trên hết, vì chúng tôi không muốn mạo hiểm”, ông Trần Văn Ninh nói.
NGUYỄN QUANG