Báo cáo Kinh tế vĩ mô thường niên năm 2012 vừa được công bố với chủ đề “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu”.
Báo cáo do Nhóm Tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, được tài trợ bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP).
Bản báo cáo năm nay đã tập trung phân tích những bất ổn kinh tế vĩ mô năm 2011, từ đó chỉ ra những cơ hội không thể bỏ lỡ để tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Với 7 chương, Báo cáo đã phân tích những vấn đề kinh tế nổi bật trong năm như thâm hụt ngân sách, bất ổn thị trường tiền tệ - tài chính, nhập siêu dai dẳng và diễn biến lao động - việc làm trong mối quan hệ hữu cơ với cơ cấu và mô hình tăng trưởng, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách cụ thể.
Một chương trong Báo cáo được dành riêng cho việc xem xét lại nguồn gốc và những nền tảng của tăng trưởng kinh tế, từ đó đánh giá đặc điểm mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt
Chương 7, cũng là chương cuối cùng của Báo cáo, được dành để bàn về những tiền đề quan trọng nhất cho quá trình tái cơ cấu thành công, đó là đổi mới tư duy kinh tế và cải cách thể chế.
Báo cáo nhìn nhận, trong năm 2011, một số bất ổn vĩ mô đã được giải quyết phần nào, song chưa có dấu hiệu được giải quyết một cách bền vững. Nhiều bất ổn đã bắt đầu và kéo dài trong nhiều năm, như lạm phát cao, nhập siêu dai dẳng và dự trữ ngoại hối không cao, tỉ giá biến động khó lường. Bên cạnh đó là tình trạng đô la hóa, thâm hụt ngân sách lớn, nợ công gia tăng, thị trường tài chính - tiền tệ dễ tổn thương…
Những diễn biến bất lợi và thiếu ổn định của kinh tế vĩ mô được coi là những hệ lụy của đặc điểm tăng trưởng theo chiều rộng, trong khi hiệu quả sử dụng nguồn lực suy giảm, đi kèm với các chính sách còn mang nặng tính đối phó tình huống và bị chính mô hình tăng trưởng làm hạn chế hiệu lực.
Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, vì thế, vừa là con đường duy nhất, vừa là cơ hội không thể bỏ lỡ trong bối cảnh đó - bản Báo cáo nhận định.
Một lựa chọn được nhấn mạnh trong giai đoạn đầu tiên là các nguồn lực của nền kinh tế cần được phân bổ lại để có thể tạo ra sức bật lớn hơn, hỗ trợ đắc lực cho đổi mới mô hình kinh tế.
Theo SGGPO