Chủ Nhật, 06/10/2024 13:23 CH
Thủy điện và những hệ lụy cần sớm khắc phục
Bài 3: Hạn chế lũ, bảo đảm nước cho sản xuất và sinh hoạt vùng hạ du
Thứ Bảy, 01/09/2012 14:00 CH

Từ khi các thủy điện trên sông Ba đi vào hoạt động, cuộc sống của người dân ven sông và ở vùng hạ du nhiều lo toan. Mùa mưa bão, nhiều người dân sống trong tình trạng lo lắng, bị động khi các thủy điện xả lũ. Có thời điểm tổng lưu lượng xả lũ tại cửa xả thủy điện Sông Ba Hạ thời điểm cao nhất trên 10.000m3/s, làm nước sông lên nhanh đột ngột, dòng sông Ba trở nên hung dữ khác thường, hàng trăm hộ dân sinh sống ven sông, gần hồ chứa phải chạy lũ; nhiều cánh đồng, làng xóm vùng hạ du ở các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa… bị ngập nước.

 

thuy-dien-120901.jpg

Vào mùa hè, nhiều đoạn trên sông Ba chỉ còn lại những mương nước - Ảnh: P.NAM

Trái lại vào mùa khô, do các nhà máy tích nước để sản xuất điện, sông Ba khô cạn, thủy nông Đồng Cam nước không đủ, nhiều cánh đồng bị hạn, nhiều trạm bơm điện không có nước để bơm tưới và đang xuất hiện ngày càng nhiều khúc sông chết.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch bậc thang thủy điện các dòng sông, quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ trên địa bàn cả nước và ở từng địa phương. Cần kiên quyết loại bỏ những dự án không hiệu quả, tác động xấu đến môi trường, chiếm nhiều diện tích đất rừng, đất sản xuất, ảnh hưởng lớn đến di dân, tái định cư, cấp nước hạ du... Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT kiểm tra việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư tại các dự án thủy điện; chỉ đạo giải quyết những vấn đề còn tồn tại, bảo đảm cho người dân tái định cư có cuộc sống ổn định, tốt hơn nơi ở cũ.

Mặc dù ngày 23/9/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1757 ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng, Ayun Hạ và An Khê – Ka Nak trong mùa lũ hàng năm. Các nhà máy Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng đều có quy trình vận hành hồ chứa nước riêng trong mùa mưa và mùa khô được Bộ Công thương phê duyệt. Cụ thể, vào mùa mưa lũ, hồ tích nước đầy, tràn sẽ xả một phần khi lũ lớn hơn tần suất thiết kế hồ; vào mùa khô, hồ cung cấp nước cho các tổ máy hoạt động theo sự điều động của Trung tâm Điều độ quốc gia. Tuy nhiên, do các cơ quan thẩm quyền chưa thành lập Ban điều hành chung về xả lũ và điều tiết nước vào mùa khô trên sông Ba, nên việc vận hành liên hồ chứa còn nhiều bất cập. Các hồ chứa thuộc các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng phụ thuộc hoàn toàn vào các hồ chứa ở thượng nguồn khi xả lũ cũng như điều tiết nước. Mặt khác, rừng thuộc khu vực sông Ba bị mất quá nhiều do nạn phá rừng không được ngăn chặn hiệu quả trong nhiều năm qua và hàng ngàn hecta rừng phải nhường chỗ cho các công trình thủy điện, nên đã làm thay đổi hệ sinh thái lưu vực sông Ba, dẫn tới khô hạn cạn kiệt nguồn nước vào mùa nắng và làm gia tăng nguy cơ lũ lụt vào mùa mưa. Do vậy, cùng với việc bảo vệ tái tạo rừng nếu không tổ chức dự báo chính xác thời tiết, lượng mưa, lưu lượng lũ thì khó bảo đảm vận hành hồ chứa an toàn và góp phần chống lũ cho hạ du.

 

Trong đợt kiểm tra các công trình thủy điện ở Phú Yên mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng yêu cầu các nhà máy thủy điện phải lắp đặt thêm hệ thống dự báo thời tiết khí hậu, các thiết bị đo mưa để dự báo chính xác lưu lượng lũ về các hồ chứa, đồng thời thêm thời gian cảnh báo xả lũ ở các hồ chứa (bởi quy định trước đó chỉ thông báo trước 2 giờ đến UBND và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh là chưa đủ thời gian để chỉ đạo nhân dân vùng hạ du kịp thời đối phó). Đồng thời các nhà máy phải duy trì dòng chảy tối thiểu và dòng chảy môi trường. Đây cũng chỉ mới là những biện pháp chỉ đạo tình thế.

 

Một điều đáng quan tâm hiện nay vào mùa khô hạn khi các nhà máy thủy điện tích nước để bảo đảm sản xuất điện, từ thượng nguồn thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh đến vùng hạ lưu TP Tuy Hòa xuất hiện hàng trăm khúc sông gần như ngừng chảy; nhiều đoạn sông lộ lên những cồn cát rộng lớn và nơi đây đang diễn ra hàng loạt các hoạt động khai thác “tận thu” cát, sạn, đá cảnh và cả vàng sa khoáng… Trên những con lạch, vũng nước hiếm hoi, người dân thi nhau dùng xung điện tiêu diệt những thủy sinh, thủy sản còn sót lại.

 

Trước những vấn đề bức xúc của cử tri, tại kỳ họp thứ 3, Quốc Hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị Chính phủ và các bộ rà lại quy hoạch điện nói chung và thủy điện, kiên quyết loại bỏ và dừng lại các dự án không đạt tiêu chí xã hội, môi trường, chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục kiểm tra những dự án khác để đảm bảo an toàn về thủy điện ở các công trình khác…

Hiện tượng sa mạc hóa sông Ba đang diễn ra đáng báo động, nhất là từ khi thủy điện An Khê - Ka Nak đi vào vận hành. Nhà máy đã lấy nước sông Ba để hoạt động nhưng lại trả nước về sông Kôn, khiến sông Ba càng thiếu nước, khô hạn vào mùa nắng. UBND tỉnh Phú Yên không thống nhất việc xây dựng thủy điện An Khê - Ka Nak với phương án chuyển nước về sông Kôn, đã gửi công văn đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chủ đầu tư thủy điện An Khê - Ka Nak sớm có giải pháp điều tiết, đảm bảo lưu lượng nước tối thiểu cấp cho sông Ba. Đồng thời yêu cầu EVN nghiên cứu phương án xây dựng các hồ thủy lợi hạ lưu thủy điện Sông Ba Hạ để duy trì lượng nước cần cung cấp cho nông nghiệp và dân sinh… nhưng chưa được Bộ Công thương trả lời.

 

Vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường cần chỉ đạo đánh giá cụ thể, toàn diện mặt được và chưa được đối với môi trường sinh thái và sản xuất, đời sống của nhân dân dưới vùng hạ lưu trong việc thay đổi dẫn dòng nước sông Ba về sông Kôn (Bình Định); chỉ đạo công tác dự báo chính xác lưu lượng nước sông Ba trong mùa khô và mùa lũ để đáp ứng yêu cầu vận hành thủy điện an toàn, đồng thời bảo đảm sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng có dự án thủy điện. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công thương sớm tham mưu cho Chính phủ thành lập cơ quan tổ chức, quản lý điều phối, điều hành chung về quy trình quản lý, vận hành liên hồ các hồ thủy điện được xây dựng trên sông Ba, nhằm đảm bảo việc vận hành an toàn hồ chứa, chủ động trong việc xả lũ về hạ du trong mùa mưa lũ để không gây thiệt hại; điều tiết dòng chảy, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước sản xuất và sinh hoạt của nhân dân vùng hạ du mùa khô hạn, chống sa mạc hóa…và đang chờ trả lời.

 

Tóm lại, sự ra đời của các nhà máy thủy điện đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể sự ràng buộc chặt chẽ, lâu dài trách nhiệm của chủ nhà máy thủy điện đối với nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng. Các chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm nghĩa vụ về bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng trong vùng dự án. Công tác bảo vệ môi trường của các dự án thủy điện nhất là thủy điện lớn có phạm vi rộng, tính chất phức tạp nhưng các cơ quan chức năng ở địa phương không đủ lực lượng, phương tiện kỹ thuật để kiểm tra giám sát; thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng… Hơn nữa, việc xử lý mối quan hệ sản xuất điện năng với cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa được hài hòa nên đã phát sinh nhiều tồn tại. Để khắc phục những tồn tại đó đòi hỏi cần có sự thống nhất từ các bộ, ngành trung ương và các địa phương, nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả thủy điện, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, cải thiện nâng cao đời sống nhân dân trong vùng thủy điện.

   

ANH KIỆT-PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek