Chủ Nhật, 06/10/2024 15:24 CH
Thủy điện và những hệ lụy cần sớm khắc phục
Bài 1: Người dân vùng dự án còn nhiều khó khăn
Thứ Năm, 30/08/2012 14:00 CH

10 năm nay, tốc độ phát triển thủy điện ở nước ta khá nhanh đã góp phần cung cấp điện năng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trên địa bàn Phú Yên có 3 thủy điện đã đi vào hoạt động (Nhà máy thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông H’Năng), hàng năm hòa vào lưới điện quốc gia hơn 1,4 tỉ kWh. Trong quá trình xây dựng các thủy điện, nhiều công trình giao thông, điện, nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa… được nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn… Tuy nhiên, do không thực hiện đầy đủ các hạng mục công trình của dự án cũng như những cam kết với nhân dân vùng dự án trong quá trình xây dựng nhà máy thủy điện, đồng thời chưa thực hiện hợp lý quá trình vận hành hồ chứa trong mùa mưa lũ cũng như mùa hạn, các công trình thủy điện đã gây ra nhiều hệ lụy đối với môi trường sinh thái.

 

thuy-dien-120830.jpg

Tiến độ giao đất sản xuất cho nhân dân xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa quá chậm - Ảnh: P.NAM

Có thể khẳng định rằng, sự có mặt của các công trình thủy điện đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa Phú Yên, nhất là trong vùng dự án. Trong quá trình xây dựng, các công trình thủy điện đã tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động. Khi hoàn thành, các nhà máy thủy điện đã tạo việc làm ổn định và thu nhập cao cho nhiều lao động ở các địa phương. Tuy nhiên, để phục vụ cho các dự án thủy điện lớn, tỉnh Phú Yên phải mất hơn 10.000ha đất nông - lâm nghiệp và đất ở, trong đó Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ 3.363ha, Nhà máy thủy điện Sông Hinh 6.194ha và Nhà máy thủy điện Krông H’Năng gần 240ha. Chỉ riêng việc xây dựng Nhà thủy điện Sông Ba Hạ đã sử dụng gần 2.000ha đất nông - lâm nghiệp và 23ha đất ở; di dời 386 hộ dân, hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng xã Suối Trai và xã Krông Pa (Sơn Hòa) thu hồi 891ha đất sản xuất.

 

Trước khi hòa vào lưới điện quốc gia tháng 11/2009, Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ có trách nhiệm hoàn thành việc xây dựng cống tự chảy Suối Trai (xã Suối Trai) cung cấp nước tưới cho 110ha lúa nước hai vụ, đồng thời trong quý 2/2009 phải đưa vào sử dụng trạm bơm buôn Lé, xã Krông Pa nhằm đảm bảo nước tưới cho 300ha đất sản xuất, trong đó có khoảng 200ha lúa hai vụ. Đến thời điểm này Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ mới chỉ san ủi, giao cho người dân xã Suối Trai, 22,7ha/30ha đất sản xuất. Ông KPắ Thinh, Chủ tịch UBND xã Suối Trai cho biết, do đất xấu nên việc sản xuất không hiệu quả; một số diện tích ruộng bậc thang quá cao, người dân không thể đưa máy, bò lên cày cấy. Theo ông Lê Thanh Lai, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, việc chậm trễ trong tái định canh và thiếu đất sản xuất là một trong những nguyên nhân khiến người dân phá rừng làm nương rẫy để kiếm sống.

 

Các dự án thủy điện cũng đã để lại cho địa phương nhiều công trình giao thông, nhưng có một số công trình lại kém chất lượng, không được tu sửa nên hiệu quả sử dụng không cao. Tuyến đường từ quốc lộ 29 đi qua các xã Ea Bá và Ea Lâm (Sông Hinh); trong 2 năm 2010-2011, tỉnh Phú Yên phải đầu tư 15 tỉ đồng để tu sửa 13km, 5km còn lại huyện Sông Hinh đang tìm vốn để nâng cấp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết, các phòng học, giếng nước, đường giao thông nội vùng của khu tái định cư buôn Chao, hay dự án sử dụng nước sau thủy điện Sông Hinh triển khai thi công quá chậm so với kế hoạch đề ra.

 

Một thực trạng đáng lo ngại nhất hiện nay là hầu hết người dân trong vùng dự án thủy điện sau khi mất đất sản xuất vẫn chưa được đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm để ổn định cuộc sống lâu dài; công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân trong vùng dự án chưa được đảm bảo, các doanh nghiệp thủy điện mới chỉ bồi thường diện tích đất từ mực nước dâng bình thường trở xuống, mà chưa thực hiện bồi thường số diện tích bị ảnh hưởng, thiệt hại của hồ chứa trong mùa mưa lũ.

 

Ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết, kết quả giám sát về quá trình triển khai thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thủy điện ít quan tâm đến đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện. Hiện nay, đời sống của người dân các khu tái định cư dự án thủy điện còn nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất; công tác bồi thường, tái định cư thực hiện chưa chặt chẽ, nhiều trường hợp quy chủ nhầm, chưa thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho nhân dân trong thời gian chưa có đất sản xuất… Đối với đất ở các khu tái định cư diện tích cấp cho mỗi hộ còn ít, một số khu tái định cư còn thiếu đất để làm chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm, môi trường sống khu vực này bị ô nhiễm.

 

Trong đợt kiểm tra và làm việc tại Phú Yên mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đề nghị các doanh nghiệp thủy điện phối hợp với chính quyền các địa phương lập dự án hỗ trợ đất sản xuất cho người dân, trên tinh thần cấp đủ đất cho nhân dân sản xuất, sớm ổn định cuộc sống hiện tại và lâu dài. Trước mắt phải hoàn tất việc tạo mặt bằng cánh đồng ruộng nước ở buôn Lé, xã Krông Pa và cống tự chảy Suối Trai (Sơn Hòa) trong năm 2012 để cấp cho những hộ dân bị thu hồi đất.

 

----------------------------

(Bài 2: Tăng cường bảo vệ, tái tạo rừng)

 

ANH KIỆT - PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek