Chủ Nhật, 06/10/2024 17:23 CH
Dán nhãn năng lượng:
Giúp người tiêu dùng chọn sản phẩm tiết kiệm năng lượng
Thứ Tư, 29/08/2012 14:00 CH

Ngày 12/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 51/2011/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện. Báo Phú Yên đã phỏng vấn ông Phương Hoàng Kim, Chánh văn phòng Tiết kiệm năng lượng Bộ Công thương để làm rõ thêm vấn đề này. Trước hết, nói về ý nghĩa của việc dán nhãn năng lượng, ông Phương Hoàng Kim cho biết:

 

ong-Kim120829.jpg

Ông Phương Hoàng Kiêm, Chánh văn phòng tiết kiệm năng lượng Bộ Công thương - Ảnh: N.XUÂN

Nhãn năng lượng là một hình thức nhằm giúp người tiêu dùng biết được mức tiêu thụ năng lượng của một sản phẩm khi mua sắm, so sánh giữa các sản phẩm cùng loại. Từ đó khuyến khích người tiêu dùng chọn mua những sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

 

Các thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu thuộc nhóm thiết bị gia dụng là đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, quạt điện, ti vi... Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại bắt buộc dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm máy photocopy, màn hình máy tính, máy in… Quyết định này cũng quy định bắt buộc dán nhãn đối với các sản phẩm máy biến áp phân phối, động cơ điện và ô tô con dưới 7 chỗ ngồi.

 

* Lộ trình áp dụng quy định này được thực hiện như thế nào, thưa ông?

 

- Nhãn năng lượng đã được các nước trên thế giới triển khai và áp dụng từ rất nhiều năm nay với nhiều hình thức tự nguyện và bắt buộc tùy theo từng quốc gia. Ở nước ta, từ sau khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành từ năm 2011, Chính phủ ban hành Quyết định 51/2011/QĐ-TTg quy định việc dán nhãn năng lượng và lộ trình áp dụng.

 

Theo quyết định của Thủ tướng thì đến ngày 1/1/2013, chúng ta bắt đầu thực hiện dán nhãn bắt buộc đối với các sản phẩm; đến năm 2015 có khoảng 13 sản phẩm tiêu thụ năng lượng của Việt Nam phải dán nhãn bắt buộc và áp dụng hình thức không được nhập vào thị trường Việt Nam những sản phẩm không đạt hiệu suất tối thiểu. Riêng đối với nhóm thiết bị gia dụng, từ ngày 1/1/2014 không được phép nhập khẩu và sản xuất các thiết bị có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu. Và các nhóm thiết bị công nghiệp, văn phòng và thương mại thì thời hạn áp dụng từ 1/1/2015.

 

* Có bao nhiêu loại nhãn năng lượng và ý nghĩa của từng loại nhãn là gì, thưa ông?

 

- Nhãn năng lượng Việt Nam được chia làm 2 loại: Nhãn xác nhận và nhãn so sánh. Nhãn xác nhận là nhãn thể hiện hình biểu tượng tiết kiệm năng lượng (hay còn gọi là ngôi sao năng lượng Việt) được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường khi những phương tiện, thiết bị này có mức hiệu suất sử dụng năng lượng cao (HEPS). Nhãn năng lượng so sánh là nhãn được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường có mức hiệu suất năng lượng khác nhau ứng với năm cấp hiệu suất năng lượng (từ một sao đến năm sao).

 

Khi nhìn vào nhãn so sánh, người tiêu dùng có thể so sánh được mức tiêu thụ năng lượng của sản phẩm thông qua các ngôi sao trên nhãn. Các ngôi sao trên loại nhãn này sẽ cung cấp cho người tiêu dùng biết các thông tin về hiệu suất năng lượng của phương tiện, giúp người tiêu dùng lựa chọn được phương tiện, thiết bị có mức năng lượng tiết kiệm hơn; nhãn càng nhiều sao thì sản phẩm có độ tiết kiệm càng lớn.

 

nang-luong120829.jpg

Giới thiệu các loại máy sử dụng trong quản lý tiết kiệm năng lượng - Ảnh: N.XUÂN

* Để áp dụng quy định dán nhãn năng lượng, ngành Công thương đã tổ chức triển khai ra sao?

 

- Để chuẩn bị lộ trình công việc dán nhãn năng lượng ở Việt Nam, chúng tôi đã chuẩn bị về cơ sở vật chất, hạ tầng như các phòng thử nghiệm, tổ chức các chương trình dán nhãn tự nguyện từ năm 2007, 2008. Đến thời điểm này, các nhà sản xuất cũng đã quen với việc dán nhãn. Có rất nhiều sản phẩm đã được dán nhãn như bóng đèn, quạt điện, máy điều hòa, bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời... Như vậy, về các điều kiện cơ sở hạ tầng, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện việc dán nhãn theo quyết định của Thủ tướng quy định từ ngày 1/1/2013.

 

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tuân thủ dán nhãn như: Hỗ trợ kỹ thuật, đánh giá các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm tiết kiệm hơn. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất hoàn toàn có thể xây dựng các dự án để tìm nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong việc nghiên cứu, sản xuất ra các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn. Chính phủ sẽ có những giải pháp khuyến khích doanh nghiệp dán nhãn năng lượng và đưa ra ngày càng nhiều hơn những sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Đồng thời chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền dán nhãn năng lượng trong kinh doanh đến các tầng lớp xã hội.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

NGÔ XUÂN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek