Chủ Nhật, 06/10/2024 17:26 CH
Mủ cao su rớt giá, người trồng khó khăn
Thứ Năm, 30/08/2012 07:50 SA

Giá thu mua mủ cao su bị tư thương thao túng nên liên tục xuống thấp, khiến nông dân trồng loại cây này ở huyện Sông Hinh gặp nhiều khó khăn. Một lần nữa người trồng cao su thêm nóng lòng mong chờ có một nhà máy thu mua, chế biến mủ cao su tại địa phương.

 

CS120830.jpg

Nông dân xã Ea Trol (Sông Hinh) thu hoạch mủ cao su - Ảnh: V.THÙY

Ở thời điểm này năm trước, giá mủ cao su ủ đông ở mức trên 30.000 đồng/kg đã khuyến khích bà con nông dân huyện Sông Hinh tập trung đầu tư cho cây cao su. Không ít hộ thoát nghèo, có của ăn của để hoặc vươn lên làm giàu cũng nhờ dự án cây cao su tiểu điền. Ông Phạm Ngọc Hòa có 2ha cao su ở thôn Chư Sai, xã Ea Trol, nhờ chăm sóc tốt nên năng suất vườn cao su mấy năm nay đạt khá. Ông Hòa cho biết: “Với việc thu hoạch theo kiểu D2 (một ngày cạo mủ, một ngày nghỉ) mỗi ngày cạo 1ha, trung bình một ngày thu về 50kg mủ đông. Với giá bán năm trước 32.000 đồng/kg, trừ hết chi phí cho lãi khoảng 1,2 triệu đồng mỗi ngày. Còn bước vào vụ thu mủ năm nay, giá mủ cao su liên tục hạ đến nay chỉ còn 15.000-16.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với giá cùng kỳ năm trước. Chi phí đầu tư cao, trong khi giá bán mủ cao su lại thấp nên người dân trồng cao su gặp nhiều khó khăn, với nhiều nông dân trồng cao su như chúng tôi thì đây là nguồn thu nhập chính của cả gia đình”. Ông Hòa cho biết thêm, gia đình không dám thuê nhân công cạo và thu mủ nữa mà tận dụng lao động sẵn có trong nhà, mặc dù vợ chồng đã lớn tuổi, đường sá đi lại khó khăn.

 

Còn bà Nguyễn Thị Mừng ở xã Ea Bar cho biết: “Sau 7 năm trời vất vả, vườn cao su đến nay đã thu hoạch nhưng đành chấp nhận ăn chia 50-50 với người làm công”. Bà Mừng cho biết, gia đình bà trồng được 1.000 cây cao su, trong đó một nửa số cây đã khai miệng từ năm ngoái, còn một nửa đến nay bắt đầu khai thác. Do hoàn cảnh gia đình neo đơn, chồng không may mất sớm, con cái đều đi học xa nhà nên mọi việc ở rẫy cao su đều phải thuê nhân công. Với 1.000 gốc cao su, chi phí cho công cạo, thu gom mủ mất trên 300.000 đồng/ngày. Mùa cạo mủ năm nay, thời tiết liên tục khô hạn, gió nam thổi mạnh khiến cây cao su càng mất nước, sản lượng mủ đạt thấp, mỗi lần cạo chỉ thu được khoảng 35-40kg mủ đông. Với giá thu mua như hiện nay, tổng số tiền thu về khoảng 600.000 đồng/ngày nhưng phải trả cho người làm công một nửa số tiền. Mặc dù giá mủ cao su xuống thấp nhưng bà Nguyễn Thị Mừng vẫn phải duy trì cạo mủ vì phải lo chi phí nuôi con ăn học, trong khi cạo mủ theo chế độ D3 (ba ngày cạo một lần) để dưỡng sức cho cây. “Với giá mủ cao su như hiện nay thì khoản thu nhập chỉ đủ chi phí sinh hoạt gia đình, còn việc tích lũy, dành dụm để trả nợ ngân hàng thì rất khó” - bà Mừng nói.

 

Sau khi thu gom mủ nước, nông dân tự đánh phèn, cho vào bồn ủ đông. Các tư thương đánh xe đến tận nhà cân mủ, tính tiền rồi chở đi các nơi để tiêu thụ. Việc giá thu mua cao hay thấp, người dân chỉ biết từ những người lái buôn này. Ông Đỗ Bình, chuyên thu mua gom mủ cao su ở thị trấn Hai Riêng cho biết: Mủ đông trên địa bàn huyện Sông Hinh lẫn nhiều tạp chất như đất, cát, cành và lá cây… nên sau nhiều lần sơ chế cũng chỉ được xếp vào loại 8 hoặc loại 9. Những lô hàng này chỉ có những thương lái Trung Quốc đặt mua, nhưng gần đây các thương lái này chậm mua hàng nên dẫn đến tồn kho. Đây chính là nguyên nhân khiến mủ cao su rớt giá…

 

Hiện nay trên địa bàn huyện Sông Hinh có khoảng 2.350ha cao su, trong đó có gần 1.000ha đang trong thời kỳ khai thác mủ. Giống cao su mang lại hiệu quả cao nhất và đang được trồng phổ biến là PB260. Diện tích tập trung nhiều nhất ở các xã Ea Bar (1.650ha), Ea Ly (304ha), Ea Trol (260ha)… Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Thực hiện thông báo của UBND tỉnh về việc cho phép lập thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Ea Bar nên huyện Sông Hinh đã tiến hành bàn giao tạm thời mặt bằng cho đơn vị đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình, đến thời điểm này cơ bản đã hoàn thành phần móng. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 20 tỉ đồng, do Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Phúc Nguyên ở tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Đây là nhà máy được xây dựng mới, công suất khoảng 4.500 tấn mủ khô/năm. Sau khi hoạt động, nhà máy sẽ tiến hành thu mua toàn bộ mủ đông và cả mủ nước cho bà con trồng cao su. Người dân có thể trực tiếp bán cho nhà máy mà không cần qua tay tư thương, việc bán mủ nước cũng sẽ thuận tiện hơn.

 

VĂN THÙY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek