UBND tỉnh đã có chủ trương khai thác rừng trồng và diện tích trong lâm phần đã đủ tuổi khai thác của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân để giao đất cho địa phương. Công việc xác minh, đánh giá lại một số diện tích rừng đang được triển khai và địa phương đang chờ giao đất.
Rừng trồng ở xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân) - Ảnh: A.NGỌC
Hiện nay ở một số xã miền núi huyện Đồng Xuân như Phú Mỡ, Xuân Lãnh, Xuân Quang 1…, người dân đang thiếu đất sản xuất. Ông Đoàn Năm, Trưởng thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1, cho biết: “Hiện nay nhu cầu đất sản xuất của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Suối Cối 2 rất lớn, nhiều hộ được giao đất trước đây nay đã có hộ khẩu phát sinh và tách hộ riêng nhưng đất sản xuất không được bổ sung. Nếu Nhà nước khai thác rừng trồng theo Chương trình 327 thì nên giao lại diện tích này (sau khi khai thác) cho các hộ dân thiếu đất để có đất canh tác, giúp ổn định cuộc sống”.
Theo Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất lâm nghiệp của BQL rừng phòng hộ Đồng Xuân thì tổng diện tích quy hoạch sử dụng 22.133ha, trong đó đất rừng phòng hộ 17.474ha, đất rừng sản xuất 4.659ha. Về chủ trương, BQL rừng phòng hộ Đồng Xuân khai thác rừng trồng đã đủ tuổi để giao trả đất cho địa phương khoảng 90ha và diện tích trong lâm phần đã đến tuổi khai thác để trồng lại rừng khoảng 530ha. Đối với diện tích rừng trồng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước hơn 340ha mà BQL rừng phòng hộ Đồng Xuân đã trồng ngoài lâm phần, Hạt Kiểm lâm, Phòng NN-PTNT, chính quyền địa phương và các ban ngành có liên quan của huyện Đồng Xuân kiểm tra, xác định diện tích rừng trồng, rừng khoanh nuôi. Đối với diện tích rừng trồng bị thiệt hại chưa được thanh lý nhưng còn cây trồng đã đến tuổi khai thác, được xác minh đánh giá diện tích, số cây hiện còn và lập báo cáo xin chủ trương khai thác tận dụng cây còn lại theo quy định hiện hành, để giao trả đất cho địa phương.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: “Nhu cầu đất sản xuất hiện nay của một số hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số là rất lớn. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với địa phương kiểm tra, thống kê lại số diện tích của từng loại rừng, trên cơ sở đó đề xuất cho UBND tỉnh ra quyết định thu hồi một phần diện tích rừng do BQL rừng phòng hộ Đồng Xuân quản lý. Sau khi có quyết định giao đất cho huyện, UBND huyện sẽ phân bổ và giao về các xã có nhu cầu…”.
Ông Cao Hữu Lộc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Để được hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bàn giao phần đất thu hồi cho địa phương quản lý, Sở NN-PTNT đề nghị BQL rừng phòng hộ Đồng Xuân bố trí cán bộ liên hệ làm việc trực tiếp với Sở TN-MT. Đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp rà soát và giao trả về địa phương, BQL rừng phòng hộ Đồng Xuân phối hợp với kiểm lâm sở tại, chính quyền địa phương và các ban ngành chức năng của huyện để được hỗ trợ về công tác quản lý, bảo vệ rừng và tiếp tục quản lý chặt chẽ trên diện tích này, kiên quyết xử lý tình trạng người dân tự ý lấn chiếm đất lâm nghiệp.
ANH NGỌC