Dừa khô liên tục rớt giá, thị trường tiêu thụ gần như “đứng bánh”, nhiều chủ vườn đang “thu hoạch sạch” để bán cho các thương lái theo yêu cầu của dân buôn Trung Quốc. Các vườn dừa đứng trước nguy cơ mất mùa, giảm năng suất và chất lượng.
Không tiêu thụ được, các chủ vườn phải phơi dừa để bán cho các đầu nậu ở Bình Định để ép dầu. - Ảnh: T.HƯƠNG
GIÁ DỪA “CHẠM ĐÁY”
Từ đầu năm đến nay, giá dừa khô liên tục giảm, hiện chỉ còn 22.000 đồng/chục (12 trái) so với giá 130.000 đồng/chục từ đầu năm. Tại các vườn dừa ở TX Sông Cầu, mặc dù giá giảm mạnh nhưng dừa vẫn khó tiêu thụ, dừa khô thu hoạch chất đống chờ… hỏng. Bà Trần Thị Sương ở xã Xuân Bình cho biết: “Gia đình tôi có hai vườn dừa với gần 200 gốc, mỗi vụ thu hoạch khoảng 4.000 trái, nhưng từ đầu vụ đến giờ mới bán được gần một nửa, số còn lại vẫn còn “treo” trên cây. Bình thường với chừng ấy dừa, gia đình tôi có thu nhập khoảng 40 triệu đồng/lứa, còn từ đầu vụ đến giờ chỉ mới thu được gần 7 triệu đồng”. Ông Nguyễn Hồng Hà cùng ở xã Xuân Bình cho biết thêm, mọi năm thương lái vẫn mua sô tất cả số dừa trong vườn của gia đình. Riêng năm nay họ chỉ chọn mua số dừa có trái lớn và đẹp, còn dừa nhỏ trái hơn bị chê, mặc dù bà con đề nghị giảm giá.
Theo các chủ vườn ở TX Sông Cầu, mỗi năm dừa cho thu hoạch 2 lứa, lứa đầu vào khoảng tháng 5 âm lịch, cũng là vụ thu hoạch chính. Thông thường các năm trước, đến thời điểm này lứa thu hoạch đầu đã kết thúc và bắt đầu vào kỳ đậu trái của lứa tiếp theo, nhưng hiện lượng dừa khô “treo” cây vẫn rất nhiều. Tuy nhiên thời gian cho phép dừa “treo” cây chỉ kéo dài không quá 45 ngày kể từ khi chín rộ, còn sau đó thì dừa khô sẽ bị nứt mọng, khô cơm và hôi dầu. Trước tình trạng này, nhiều chủ vườn đã phải thu hoạch, lấy cơm phơi khô để bán cho chủ nậu ở Bình Định ép dầu với giá 6.000 đồng/kg. Bà Trịnh Thị Thanh ở phường Xuân Phú nhẩm tính: Với giá bán khoảng 2.200 đồng/trái thì 10 trái được 22.000 đồng, nhưng nếu không tiêu thụ được, ngoài việc phải tốn công hái, bóc vỏ, phơi cơm thì 10 trái dừa chỉ thu được khoảng 2,5kg cơm dừa khô với giá 19.000 đồng.
Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, tổng sản lượng mỗi kỳ thu hoạch dừa của địa phương khoảng 4,4 triệu trái, nhưng hiện lượng dừa được tiêu thụ chỉ mới gần một nửa sản lượng, số còn lại bà con vẫn đang cố chờ giá lên.
CẨN TRỌNG THU HOẠCH
Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, trên địa bàn thị xã có khoảng 1.000ha dừa với mật độ khoảng 220 gốc/ha, tập trung ở các xã Xuân Lộc, Xuân Bình, Xuân Thọ 2… Lâu nay, việc tiêu thụ dừa phụ thuộc hoàn toàn vào các tư thương từ thị trường cho đến giá bán. Phần lớn sản lượng đều được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch thông qua các thương lái.
Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết, ngoài việc giá dừa khô liên tục rớt, bị thương lái ép chọn hàng khi mua… hiện nay còn có tình trạng các thương lái đang thu mua dừa theo hình thức “mua sạch”. Tức là các vườn dừa muốn tiêu thụ được, chủ vườn phải đồng ý bán theo kiểu thu hoạch hết từ dừa khô đến dừa nạo, trong đó dừa nạo được mua với giá cao gấp đôi. Điều này đang gây nên hiện tượng người trồng dừa vét sạch vườn dừa để tiêu thụ hết lượng dừa khô còn tồn. Ông Hai Tín ở xã Xuân Bình cho biết: “Nhờ kiểu bán kèm như vậy mà lượng lớn dừa khô còn lại trong vườn nhà tôi đã được giải quyết, vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Nếu giờ này không bán thì biết đâu đến lứa thu hoạch tới lại không tiêu thụ được thì càng lỗ nặng hơn”.
Rõ ràng với cách thu hoạch như hiện nay, bà con đang vắt kiệt sức sinh sản của cây dừa nên nguy cơ vụ mùa sau dừa sẽ giảm sản lượng, trái kém chất lượng. Khi đó dừa sẽ cho ra trái nhỏ và lại bị thương lái ép giá hoặc không thu mua thì càng thiệt hại cho người trồng dừa. Ông Đỗ Văn Chính cho biết: Để giải quyết tình trạng này về lâu dài bà con nên trồng giống dừa xiêm… Trong thời gian qua Phòng Kinh tế thị xã đã triển khai, vận động bà con chuyển đổi từ trồng dừa lấy trái khô sang trồng dừa xiêm, thay thế những vườn dừa già cỗi, đồng thời các địa phương cũng đã trồng thí điểm nhiều mô hình dừa xiêm chất lượng cao. Bởi phần lớn các vườn dừa của địa phương đã có hơn 30 năm tuổi nên sản lượng không còn cao, thị trường tiêu thụ dừa khô cũng thiếu ổn định, trong khi đó việc sử dụng dừa non để giải khát lại đang mở rộng, giá cao hơn nhiều và hứa hẹn tiêu thụ mạnh cùng sự phát triển du lịch của địa phương…
T.HƯƠNG-V.PHÊ