''Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư và giới quan sát nước ngoài. Sự chú ý của cộng đồng quốc tế tới Việt Nam chưa bao giờ cao hơn hiện nay'', Đại sứ Hoa Kỳ tại VN Michael Marine nhận xét. Trao đổi với báo giới, ông cho biết, năm tới, đầu tư của Mỹ vào VN có thể tăng gấp đôi so với con số 4 tỷ USD trong năm nay.
MỸ LÀ MỘT ĐỐI TÁC TỐT
Năm 2006, ông hài lòng nhất về điều gì trong quan hệ giữa hai nước? Xin ông cho biết xu hướng trong thời gian tới?
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Marine.
Điều tôi hài lòng nhất là không những chúng ta duy trì được mối quan hệ giữa hai nước mà còn thúc đẩy mối quan hệ này phát triển một cách tích cực.
Nếu như chúng ta nhìn vào tất cả các khía cạnh trong mối quan hệ trong năm 2006 như một bức ảnh, chúng ta sẽ thấy mối quan hệ rất sống động, năng động trên mọi lĩnh vực như thương mại, đầu tư, giao lưu và trao đổi cấp cao. Việt Nam đăng cai APEC, thực hiện giai đoạn cuối cùng gia nhập WTO, 2006 là một năm bận rộn với Việt Nam. Nước Mỹ là một đối tác tốt, và quan hệ giữa hai nước hưởng lợi từ những diễn biến tích cực đó.
Với một số vấn đề khó khăn ví dụ như Mỹ rất quan tâm đến vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, vấn đề dioxin, chất độc màu da cam, chúng ta đã chứng kiến nhiều tiến bộ.
Cuối năm, Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị cấp cao APEC, Tổng thống Bush và Ngoại trưởng Rice đã đến thăm Việt Nam. Việt Nam được đưa ra khỏi CPC, và gia nhập WTO. Đó là những thành tựu to lớn đạt được trong một năm.
Thách thức cho năm 2007 là làm sao chúng ta duy trì được đà phát triển này. Dự kiến sẽ có một số sự kiện lớn sẽ diễn ra trong năm 2007, nổi bật nhất là Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết sẽ có chuyến thăm Mỹ.
Đến thời điểm này tôi không thể nói chuyến thăm sẽ diễn ra khi nào và theo hình thức nào, về vấn đề này Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét và đưa ra quyết định. Trong chuyến thăm Việt Nam vừa rồi, Tổng thống Bush đã mời Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến thăm Mỹ và nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhận lời mời.
Việt Nam ngày càng có vai trò tích cực trên trường quốc tế, vậy vai trò của Việt Nam thế nào trong chiến lược toàn cầu của Mỹ?
Việt Nam là một đối tác tốt trong các vấn đề thương mại và đầu tư. Ngoài ra còn các vấn đề chiến lược, chính trị.
Hai nước đã có những hoạt động tích cực về những vấn đề xuyên quốc gia như cúm gia cầm, HIV/AIDS, buôn người - những vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến khu vực mà còn trên toàn thế giới.
Chúng tôi hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công APEC, gia nhập WTO. Điều đó góp phần tăng cường mối quan hệ giữa hai nước. Các nước châu Á đã đề cử Việt Nam giữ chức thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an LHQ. Điều đó giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào cộng đồng quốc tế.
ĐẦU TƯ CỦA MỸ VÀO VN CÓ THỂ GẤP ĐÔI TRONG NĂM 2007
Ông có đồng ý với ý kiến cho rằng đây là thời điểm để Việt Nam phát triển hơn nữa? Theo ông, Việt Nam phải làm gì để nắm bắt cơ hội này?
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Đây là lúc thích hợp để Việt Nam hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế thế giới và trở thành một đối tác quan trọng trong cộng đồng quốc tế.
Bằng chứng là Việt Nam đã đăng cai thành công hội nghị cấp cao APEC.
Tất nhiên, người ta sẽ đặt câu hỏi Việt Nam cần làm gì tiếp. Theo quan điểm của cá nhân tôi, điều quan trọng Việt Nam cần nắm lấy cơ hội. Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư, giới quan sát nước ngoài. Sự chú ý của cộng đồng quốc tế tới Việt Nam chưa bao giờ cao hơn hiện nay. Điều quan trọng là Việt Nam phát triển đúng với tiềm năng của mình, đáp ứng được cam kết WTO và thực thi các luật mới như thế nào.
- Dự báo của Đại sứ về đầu tư của các DN Mỹ vào VN trong thời gian tới?
Trong năm 2006, đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam tăng mạnh. Cụ thể, tập đoàn Intel đã đầu tư 1 tỷ USD vào một nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh. Theo con số thống kê của Bộ Kế hoạch đầu tư, trong năm 2006 đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam lên tới 4 tỷ USD.
Tôi được biết có 3-4 dự án sẽ được hoàn tất vào năm 2007, nếu điều đó xảy ra thì con số đầu tư sẽ tăng lên gấp đôi. Tôi chắc rằng, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang nghiên cứu thị trường Việt Nam để quyết định đầu tư. Năm 2007 là thời điểm đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh miễn là chính phủ Việt Nam cam kết thúc đẩy cải cách kinh tế.
Sáng nay tôi dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc.
Tại đó, các nhà kinh doanh Mỹ, Việt Nam và nhiều nước khác đều tỏ ra lạc quan về triển vọng đầu tư ở Việt Nam. Họ cũng cảnh báo một số vấn đề cần giải quyết, đó là tham nhũng, tạo ra một khuôn khổ pháp quyền theo đó các hợp đồng được tôn trọng và căn cứ vào đó để giải quyết các tranh chấp pháp lý, hệ thống các văn bản dưới luật để thực hiện luật, ví dụ luật đầu tư, luật doanh nghiệp vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, và vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.
CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ: CÁC NHÀ XUẤT KHẨU VN ĐÃ HỌC HỎI ĐƯỢC NHIỀU
Quốc hội Mỹ đã thông qua PNTR với Việt Nam, vậy khi nào Tổng thống Bush ký dự luật này?
Tôi không biết được thời điểm chính xác. Trước khi văn bản pháp luật đến được bàn Tổng thống phải trải qua một thủ tục kỹ thuật. Tuy nhiên, tôi nghĩ Tổng thống Bush sẽ sớm ký PNTR với Việt Nam, có thể là trước thời điểm Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO vào tháng 1/2007.
Tổng thống Bush khẳng định ông rất hài lòng về việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật. Ông hoàn toàn ủng hộ dự luật này và đó là cơ sở để hai nước thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác.
Tôi cho rằng, việc thông qua PNTR là dịp để các nghị sĩ Mỹ xem xét lại toàn bộ các mối quan hệ giữa hai nước chứ không đơn thuần là mối quan hệ thương mại. Thực tế là, đa số Hạ viện và Thượng viện thông qua PNTR cho thấy sự đồng thuận lớn, có lợi cho quan hệ giữa hai nước.
Mỹ đã thông qua PNTR với Việt Nam, và Việt Nam trở thành thành viên của WTO, liệu trong thời gian tới Mỹ có dựng lên rào cản nào đối với hàng hoá của Việt Nam như vụ cá da trơn hay không?
Điều này còn tuỳ thuộc vào thực tế. Khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO, Việt Nam sẽ có quyền và nghĩa vụ nhất định trong việc làm ăn với các đối tác khác trong tổ chức.
Ngoài ra, điều quan trọng các bạn cần nhận thấy là kể từ khi xảy ra vụ kiện cá da trơn, tôm, các nhà xuất khẩu Việt Nam đã tìm hiểu và học hỏi được rất nhiều hệ thống pháp luật của chúng tôi. Giờ đây, họ rất giỏi làm ăn trong hệ thống đó.
Thị trường thế giới có luật - đó là luật chơi - những ai tham gia đều phải theo luật. Trong năm qua, chúng ta thấy các nhà xuất khẩu Việt Nam đã học được điều đó. Bằng chứng cho thấy, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng, đặc biệt đối với các mặt hàng thuỷ hải sản, may mặc, đồ gỗ, giày da.
Các doanh nghiệp Việt Nam e ngại khả năng chống bán phá giá từ phía Mỹ, theo ông điều này có cơ sở hay không? Và ông dự báo về mức độ gia tăng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong năm 2007?
Tôi không nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam phải lo sợ hành động chống bán phá giá. Họ cần hiểu được luật chơi và minh bạch trong các hoạt động của mình, nếu làm được như vậy thì không có gì phải lo ngại.
Theo tôi, ngành dệt may là một ngành quan trọng và nó cũng là ngành có lượng xuất khẩu sang Mỹ lớn. Tuy nhiên, trong tương lai dù xuất khẩu dệt may tăng nhưng chưa đủ để gây áp lực khiến Mỹ nghĩ đến chuyện phải hành động chống bán phá giá. Chúng ta không biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra, do đó chúng ta hãy chờ xem những động thái diễn ra trong năm tới.
Theo VNN