Nước mắm được sản xuất tại hai thôn Hội Sơn và Nhơn Hội, người tiêu dùng thường gọi là nước mắm Yến thuộc xã An Hòa (huyện Tuy An) hiện đang được tiêu thụ rộng rãi trong nước. Nhưng điều đáng quan tâm là nước mắm Yến lại mang những thương hiệu, nhãn hiệu không phải xuất xứ từ làng Yến!
Mắm bán theo can không được khách hàng ưa chuộng – Ảnh: B.HÀ
Làng nghề sản xuất nước mắm Yến hiện có gần 900 hộ tham gia làm nghề, trong đó có 30 hộ có cơ sở sản xuất quy mô lớn, vốn đầu tư trên 100 triệu đồng. Mỗi năm, làng Yến bán ra khoảng 10.000 lít nước mắm các loại, trở thành đầu mối cung cấp cho các cơ sở nước mắm lớn ở Sông Cầu và Bình Định. Nước mắm Yến nổi tiếng thơm ngon do có độ đạm cao, có màu đỏ đậm nguyên chất. Anh Nguyễn Văn Đi, 39 tuổi, có 10 năm theo nghề cho biết: Gia đình anh có cơ ngơi khang trang là nhờ nghề sản xuất kinh doanh nước mắm. Ngoài nghề chính là làm biển, mỗi năm hộ anh muối trung bình 10 tấn cá cho khoảng 2.000 lít mắm. Những hộ sản xuất tương đối lớn như anh đều không bán lẻ mà chỉ bỏ sỉ những cơ sở nước mắm nổi tiếng đã có nhãn hiệu và đang được thị trường biết đến nhiều như Tân Lập (Gành Đỏ- Sông Cầu), Thủy Tài, Bốn Phương (Đập Đá- Bình Định). Với giá bán sỉ từ 7.000 đồng/lít đến 25.000 đồng/lít tùy loại, gia đình anh Đi thu nhập trung bình 2 triệu đồng/tháng. Anh Đi cũng tiết lộ rằng: Tùy theo chất lượng đạm của nước mắm mà các cơ sở nói trên mua với giá khác nhau. Nước mắm của làng nghề bán ra cho họ còn nguyên chất nhưng giá cả lại rẻ. Sau khi mua về, những cơ sở này pha chế thêm và có xử lý hóa chất giúp cho nước mắm không bị ngả màu đen mà có màu vàng nhạt, mùi mắm thơm nhạt không theo hương vị của cá và có thời hạn sử dụng khá lâu. Nếu như nước mắm bán ra tại làng nghề có thời hạn sử dụng cao nhất 6 tháng thì nước mắm “được sản xuất” tại những cơ sở trên lại có thời hạn đến 12 tháng. Vả lại do họ có lợi thế đã đăng ký thương hiệu nên chỉ cần dán nhãn mác, bao bì bắt mắt thì giá bán ra cao hơn. Lợi nhuận mà những cơ sở này thu được khá lớn vì nước mắm không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước mà có cơ sở ở Đập Đá đã xuất khẩu sang nước ngoài. Anh Đi cho biết đã từng có ý tưởng thành lập doanh nghiệp để tập trung nước mắm, xây dựng thương hiệu cho nước mắm Yến nhưng chưa đủ sức cả về vốn và sức cạnh tranh.
Anh Nguyễn Mười, một hộ sản xuất có cơ sở lớn và lâu năm trăn trở: Bản quyền nước mắm của bà con ngư dân làng này đang bị người khác hưởng mất. Lâu nay tuy sản xuất với số lượng lớn nhưng phần lớn nước mắm của hộ anh bỏ sỉ và bán lẻ ở các huyện trong tỉnh. Song, hiện nay, thị trường đang ưa chuộng loại mắm đóng chai có nhãn hiệu nên mắm bán theo can, mắm lít đang dần bị “tẩy chay” vì khách hàng e ngại không đảm bảo vệ sinh. “Mắm mình sản xuất nguyên chất nếu theo giá bán như mắm chai thì làm sao đủ vốn” - ông Trần Hồng Thái, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã kiêm Trưởng thôn Hội Sơn, giãi bày: Nguyện vọng lớn nhất của bà con là Nhà nước hỗ trợ xây dựng đường giao thông đến làng nghề, giúp xây dựng được thương hiệu. Mặt khác cần có mặt bằng thuận tiện để có thể làm nơi trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm thì mới có điều kiện đưa làng nghề phát triển. Quan trọng nữa là chưa có một cá nhân hay cơ sở nào dám đứng ra thành lập doanh nghiệp hay công ty đầu mối tại các làng nghề để thu mua và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Vì vậy các cơ sở có thương hiệu giàu lên nhờ vào chính sản phẩm của làng nghề là điều đáng buồn.
Ông Nguyễn Tấn Bản, cán bộ Phòng Kinh tế huyện Tuy An, cho biết: Huyện đang có chương trình đề xuất các xã có làng nghề truyền thống trên địa bàn tiến hành đăng ký làng nghề theo tiêu chuẩn quy định trong năm nay. Trên cơ sở đó huyện sẽ xúc tiến xây dựng các làng nghề vào năm 2007. Huyện cũng đã quy hoạch và lập xong dự án xây dựng khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gồm nước mắm Tiên Châu, nước mắm Yến- An Hòa, nước mắm Mỹ Quang, sản phẩm mỹ nghệ chiếu cói Phú Tân, bánh tráng Hòa Đa... tại Km 1320+ 500, QL1A tại xã An Chấn và đang trình tỉnh phê duyệt.
BÍCH HÀ