Từ một vùng đất cằn cỗi, giờ đây, buôn Ma Giấy, xã Phước Tân (Sơn Hòa) đã thay đổi. Bà con xây dựng nhà ở trên những triền đồi hình bát úp; cây mía, sắn và con bò đã giúp đời sống bà con khấm khá hơn.
Nông dân buôn Ma Giấy thu hoạch sắn - Ảnh: L.KHA
Dọc con đường về buôn, đâu đâu chúng tôi cũng thấy màu xanh ngút ngàn của rừng, của mía, sắn. Buổi chiều, từng đàn bò về chuồng, nhiều tuyến đường về buôn đã được sửa sang nhờ nguồn vốn của Nhà nước và đóng góp công sức của người dân. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư hoàn chỉnh giúp việc đi lại được thuận lợi, góp phần đáng kể làm đổi thay bộ mặt nông thôn miền núi của buôn Ma Giấy. Ông KPắ Lái, Trưởng buôn Ma Giấy, cho biết: “Buôn có 44 hộ với 197 người, đa số là đồng bào dân tộc Chăm H’roi. Mấy năm trước, bà con sản xuất manh mún, các loại cây trồng phụ thuộc vào nước trời nên mất mùa liên tục, năng suất thấp. Hằng năm, Nhà nước phải hỗ trợ lương thực vào những ngày mùa giáp hạt; nay bà con ở đây chưa khá, giàu nhưng cái đói đã dần lùi xa, đó là nhờ trồng mía và chăn nuôi bò”.
Hiện nay, toàn buôn có 30ha mía, 40ha sắn và 16ha lúa, trong đó có 6ha lúa nước tận dụng lưng đất trấp ven suối Heo. Niên vụ mía 2012, năng suất bình quân 40 tấn/ha và sắn 20 tấn/ha, nhờ đó mà đời sống của bà con ngày càng cải thiện. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, buôn Ma Giấy có những hộ trồng mía, sắn từ 3-4ha, đó là hộ Ma Rộng, Ma Vương, Ma Suốt, Ma Đã… Ma Rộng cho biết: Gia đình tôi có 4ha mía, mới thu hoạch 2ha được 70 tấn, ước tính thu khoảng 80 triệu đồng, sau khi trừ các khoảng chi phí; còn 3ha sắn lãi 30 triệu đồng.
Nhiều hộ ở buôn Ma Giấy đã xây nhà cấp 4, nhà sàn lợp ngói, lợp tôn, gia đình nào cũng có xe máy, ti vi, tủ lạnh… Theo nhiều người dân ở đây, nhà cửa xây dựng khang trang, mua sắm đồ dùng tiện nghi trong gia đình… là từ chăn nuôi bò. Toàn buôn có 125 con bò, hầu hết là giống bò vàng Phú Yên, tuy trọng lượng không bằng bò lai nhưng giống bò này luôn là sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng cao.
Buôn Ma Giấy hôm nay như đang khoác lên mình một chiếc áo mới. Bà La Mai Hoan, Phó bí thư Đảng ủy xã Phước Tân chia sẻ: “Buôn Ma Giấy được như ngày hôm nay, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước từ các nguồn vốn chương trình, mục tiêu quốc gia đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, bản thân bà con tự khai thác các thế mạnh về đất đai để đưa vào sản xuất theo định hướng của huyện và xã. Từ đó buôn Ma Giấy có sức vươn lên, kinh tế gia đình ngày càng phát triển”.
HOÀNG LÊ - LÊ KHA