Đến nay, toàn tỉnh cấp được hơn 354.100 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với trên 264.000ha, đạt gần 93% so với diện tích cần cấp. Trong đó cấp cho hộ gia đình và cá nhân đạt gần 103%, hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, công tác trên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Một góc đường Hùng Vương, TP Tuy Hòa - Ảnh: P.NAM
ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã đo đạc lập hồ sơ địa chính cho 103/112 đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, với tổng diện tích 462.035ha/506.057ha, đạt hơn 91%. Đã có 76/112 đơn vị hành chính cấp xã đã được số hóa bản đồ địa chính. Tuy nhiên, do bản đồ địa chính đo đạc cách đây nhiều năm, việc số hóa chỉ dựa trên bản đồ giấy nên cơ sở dữ liệu địa chính chưa hoàn chỉnh (mới chỉ có dữ liệu không gian, chưa có dữ liệu thuộc tính).
Ông Nguyễn Như Thức, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, nhờ UBND tỉnh kịp thời ban hành quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất ở, đất vườn trong cùng thửa đất có nhà ở và thực hiện tốt cơ chế “một cửa” gắn với hoàn thiện Văn phòng đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp huyện nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và công khai các khoản nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố cũng đã quan tâm, bổ sung nhân lực cho Văn phòng đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cho phép các phường, xã, thị trấn có diện tích hành chính lớn, phức tạp hợp đồng thêm cán bộ phụ trách địa chính, góp phần đẩy nhanh việc đăng ký, họp xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điển hình như TP Tuy Hòa và TX Sông Cầu.
Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Như Thức cho biết thêm, hiện nay Văn phòng đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp tỉnh có 21 người, cấp huyện có 97 người, trung bình mỗi văn phòng có 10 người. Vì vậy, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉnh lý biến động và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính. Các huyện Đông Hòa, Phú Hòa, Sông Hinh, TP Tuy Hòa và TX Sông Cầu còn quan tâm trang bị hệ thống thiết bị cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, như máy định vị (GPS), máy đo đạc và photocopy A3, đồng thời thành lập các đơn vị thực hiện đo đạc chỉnh lý hồ sơ địa chính, hoặc trích đo địa chính… phục vụ tốt cho công tác chuyên môn.
Ngoài tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Phòng TN-MT cấp huyện, ngay từ đầu năm Sở TN-MT đã tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo các xã chưa có bản đồ địa chính, tổ chức khai thác, sử dụng các tài liệu bản đồ giải thửa, bản đồ thành lập bằng ảnh chụp máy bay, hoặc trích đo địa chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không chờ đo vẽ bản đồ địa chính. Nhờ vậy mà tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gần đây được đẩy nhanh. Đến hết tháng 5/2012, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các loại đất đã cơ bản hoàn thành (như đất lâm nghiệp, đất chuyên dùng và đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng), các loại đất chưa hoàn thành là đất sản xuất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị…
CÒN NHIỀU TỒN TẠI
Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhóm đất phi nông nghiệp vẫn còn chậm. Nguyên nhân là do một số UBND huyện chưa kịp thời chỉ đạo, đôn đốc hội đồng xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp xã đẩy nhanh công tác họp xét hồ sơ. Công tác tuyên truyền liên quan đến quản lý đất đai nói chung, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói riêng còn nhiều hạn chế. Các hội, đoàn thể chưa phát huy hết trách nhiệm trong công tác tuyên truyền.
Theo quy định của Luật Đất đai, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các huyện, thị xã, thành phố là cơ quan chịu trách nhiệm chính triển khai thực hiện đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận. Để hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận lần đầu, đồng thời tổ chức tốt việc quản lý biến động đất đai thì phải tổ chức được hệ thống văn phòng đăng ký ở hai cấp có đủ năng lực và điều kiện thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ cán bộ chuyên môn một số Văn phòng đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp huyện còn thiếu (riêng huyện Sơn Hòa chỉ có 6 người). Bên cạnh đó, một số cán bộ mới tuyển dụng trình độ chuyên môn không đồng đều, thiết bị kỹ thuật còn thiếu do chậm được đầu tư. Các Phòng TN-MT và Văn phòng đăng ký cấp huyện chỉ mới làm tốt các công việc có tính chất cấp bách, như bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai. Còn nhiệm vụ trọng tâm là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập, chỉnh lý hồ sơ địa chính triển khai chưa đồng bộ; nhiều xã chỉ có một cán bộ địa chính, lại phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, như thống kê, thủy lợi, giao thông… nên chưa đáp ứng khối lượng công việc đề ra; cán bộ địa chính chuyên môn một số huyện nhận thức về quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, dẫn tới vận dụng không đúng, nhất là trong xác định điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, xác định diện tích đất ở đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao liền kề và nghĩa vụ tài chính về đất đai, tách hợp thửa đất… khi lập hồ sơ địa chính. Ngoài những nguyên nhân trên, một số huyện, xã chưa coi trọng việc cải cách thủ tục hành chính khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây phiền hà cho người dân; công tác phối hợp luân chuyển hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính giữa cơ quan thuế và tài nguyên môi trường chưa đồng bộ, đúng quy định của pháp luật; nhiều huyện, cơ quan thuế can thiệp sâu vào công tác chuyên môn của ngành tài nguyên và môi trường.
Ông Nguyễn Như Thức, Giám đốc Sở TN-MT cho biết: Việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là việc lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, góp phần ổn định chính trị - xã hội và tăng trưởng kinh tế một cách bền vững từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo.
Để hoàn thành việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Sở TN-MT đang tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị, thành phố tập trung thực hiện, hoàn thành khối lượng còn lại của công tác này trong năm 2012; kiện toàn tổ chức, hoạt động của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện theo hướng là cơ quan dịch vụ công, thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất; tập trung đào tạo, nâng cao trình độ năng lực và đạo đức của cán bộ, công chức quản lý đất đai, bảo đảm tính ổn định, chuyên nghiệp, đặc biệt là cán bộ địa chính cấp xã. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương để sớm hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính cho các xã còn lại và thực hiện đo chỉnh lý biến động đối với các xã có biến động quá lớn; đăng ký đất đai, lập và hoàn chỉnh hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai.
PHƯƠNG NAM