Kết quả giám sát của HĐND tỉnh Phú Yên và kết quả thanh tra của Thanh tra tỉnh Phú Yên cho thấy chương trình phát triển giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương, thời gian qua ở các địa phương trong tỉnh còn nhiều bức xúc, hàng loạt công trình bị sai phạm. Nguyên nhân chủ yếu là chưa phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong thực hiện chương trình này.
NHIỀU TỒN TẠI BỨC XÚC
Nhu cầu vốn cho phát triển giao thông nông thôn (GTNT) và kiên cố hóa kênh mương (KCHKM) của các địa phương ở Phú Yên rất lớn. Giai đoạn 2000-2005, toàn tỉnh cần 113,75 tỷ đồng để thực hiện chương trình phát triển GTNT, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% là 56,87 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỉnh chưa cân đối đủ vốn, chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ phân bổ hàng năm. Phần vốn còn lại do ngân sách xã và huy động nhân dân đóng góp gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả giám sát của HĐND tỉnh Phú Yên mới đây cho biết, nguồn huy động tại chỗ chỉ chiếm 36,7% giá trị công trình, trong đó vốn đóng góp của dân 28,3%. Một số huyện huy động rất thấp như Đồng Xuân (3,75%), Sông Hinh (13,3%), Tuy An (20%), Sông Cầu (20,8%). Từ đó, có hơn 20 xã chưa thực hiện được chương trình này, dẫn đến việc thực hiện không đạt kế hoạch.
Có đến 126 trong tổng số 131 công trình kiên cố hóa kênh mương bị sai phạm. - Ảnh: N.TRƯỜNG
Mặt khác, do việc huy động sức dân gặp khó khăn nên nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa tìm được vốn thanh toán cho đơn vị thi công. Cụ thể chương trình phát triển GTNT còn nợ khối lượng chưa thanh toán đến 40,78 tỷ đồng chiếm 33% tổng giá trị công trình. Chương trình KCHKM cũng tương tự, phần đóng góp của dân cũng chỉ chiếm 7,2% giá trị khối lượng và còn nợ chưa thanh toán 8,72 tỷ đồng.
Mặc dù các công trình GTNT, KCHKM đều được thành lập Ban chỉ đạo từ huyện đến xã, từng xã đều có Ban quản lý, Ban giám sát để quản lý công trình theo quy định về đầu tư và xây dựng, nhưng chất lượng một số công trình không đạt yêu cầu. Tiêu biểu như tuyến đường từ quốc lộ 1A đến chợ Phiên Thứ xã An Hiệp (Tuy An) ngay khi đưa vào sử dụng mặt bê tông xi măng đã hư hỏng nhiều nơi, mỗi khi có xe chạy qua tung bụi mù mịt; khi nghiệm thu bên thi công chấp nhận giảm thanh toán 10% giá trị khối lượng công trình. Năm 2005, Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra việc thực hiện chương trình KCHKM ở 131 công trình thì phát hiện có đến 126 công trình có sai phạm (chiếm 96,2%) phổ biến là thi công thiếu khối lượng, tự ý thay đổi vật liệu xây dựng nhưng vẫn quyết toán đầy đủ; kiến nghị thu hồi 4,1 tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng giá trị quyết toán công trình.
Theo quyết định 599/QĐ-UB, các công trình cơ bản có sử dụng vốn ngân sách hỗ trợ đều sử dụng 100% xi măng của Nhà máy xi măng COSEVCO (Phú Yên). Theo đó, tỉnh Phú Yên hỗ trợ vốn bằng hình thức cấp xi măng COSEVCO, sau đó tỉnh chuyển tiền cho các huyện, thành phố để các chủ đầu tư thanh toán lại cho Nhà máy. Lợi dụng cơ chế này, một số chủ đầu tư sử dụng tiền không đúng mục đích đã xảy ra tình trạng mua xi măng khối lượng lớn mà không thanh toán. Theo báo cáo của Nhà máy xi măng COSEVCO, số tiền nợ của các chủ đầu tư thuộc 2 chương trình này là 4,2 tỷ đồng, như UBND thị trấn La Hai (Đồng Xuân) nợ 305 triệu đồng mà không có khả năng thanh toán đã bị Nhà máy xi măng COSEVCO khởi kiện.
CẦN PHÁT HUY VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA NHÂN DÂN
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ X, giai đoạn 2006- 2010, phấn đấu mỗi năm mỗi xã có ít nhất 1 km đường bê tông xi măng. Còn theo đề án phát triển GTNT của UBND tỉnh đến năm 2010, toàn tỉnh có 410 km đường GNNT được kiên cố bằng láng nhựa hoặc bê tông xi măng, nghĩa là phải làm thêm 154 km với nguồn vốn đầu tư khoảng 90 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn ngân sách của tỉnh đưa vào cân đối hỗ trợ cho các địa phương chủ yếu dựa vào nguồn tín dụng do Trung ương phân bổ. Theo Quyết định số 184/2004/QĐ-TTg, thì vốn tín dụng nhà nước để hỗ trợ cho các địa phương thực hiện chương trình phát triển GTNT và KCHKM chỉ đến năm 2007, riêng các tỉnh miền núi, Tây Nguyên và khu vực phía tây các tỉnh duyên hải miền Trung được thực hiện đến năm 2010. Như vậy sau năm 2007, các huyện đồng bằng của tỉnh sẽ không còn nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ hỗ trợ sẽ là một thách thức không nhỏ cho Chương trình phát tiển GTNT và KCHKM của tỉnh trong thời gian tới. Một thực tế đáng lưu ý, việc triển khai các chương trình phát triển GTNT và KCHKM trong thời gian qua chỉ được thực hiện mạnh mẽ ở các xã đồng bằng, nơi huy động được vốn đóng góp của dân. Còn đối với những địa bàn mà đời sống nhân dân còn khó khăn không huy động được vốn “đối ứng” tại chỗ nên hầu như không triển khai được, nếu có chăng “làm liều” chấp nhận nợ với bên thi công rồi tìm vốn trả dần. Do vậy để những xã khó khăn ở miền núi, vùng bãi ngang ven biển phát triển được GTNT, nên có cơ chế hỗ trợ vốn thỏa đáng hơn, có thể hỗ trợ 70% thì mới có thể nhân rộng được. Đây là công trình có sự đóng góp của nhân dân nên tạo điều kiện để nhân dân tham gia đóng góp bằng công sức theo quan điểm: “xã có công trình, dân có việc làm”
Từ những tồn tại nêu trên, cho thấy chất lượng công trình là vấn đề đáng quan tâm. Do vậy để công trình phát huy hiệu quả lâu dài, cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân theo quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác kiển tra, kiểm soát của cơ quan chức năng cần được tăng cường nhằm đảm bảo thực hiện đúng tinh thần Nghị định 24/1999/NĐ-CP về quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng. Chỉ khi nào tạo được niềm tin của nhân dân thì việc huy động sức dân mới thuận lợi, dễ dàng. Đây là điều kiện cần thiết để khơi dậy nguồn lực tại chỗ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới hiện đại.
NGUYÊN TRƯỜNG