Chủ Nhật, 06/10/2024 09:29 SA
Để hàng Việt vào chợ truyền thống:
Doanh nghiệp cần chủ động hơn
Thứ Bảy, 09/06/2012 09:00 SA

Sau nhiều năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt dần chiếm ưu thế tại chợ so với các sản phẩm nhập ngoại khác. Tuy nhiên hiện còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng kênh phân phối tại chợ.

 

cho1120609.jpg
Mua bán hàng tại chợ Tuy Hòa - Ảnh: X.HUY

 

DOANH NGHIỆP CHƯA COI TRỌNG

Hiện nay, hàng Việt Nam chất lượng cao không chỉ có mặt ở siêu thị, cửa hàng bán lẻ mà còn xuất hiện nhiều tại các chợ huyện, xã. Tuy nhiên, theo Ban quản lý các chợ và tiểu thương, các mặt hàng như: đồ may sẵn, đồ chơi, điện thoại, hàng điện tử, hàng lưu niệm... của Trung Quốc vẫn lấn lướt hơn hàng Việt. Nguyên nhân không hẳn là hàng Trung Quốc có mẫu mã bắt mắt, giá bán rẻ hơn mà do các nhà sản xuất trong nước chưa quan tâm đến nhu cầu của khách hàng. Chị Hồ Thị Hoàng, chủ một sạp hàng may mặc ở chợ Tuy Hòa cho biết: Các nhà sản xuất trong nước vẫn chưa quan tâm đến việc đưa hàng Việt vào chợ. Với siêu thị, họ thường xuyên giảm giá, khuyến mãi nhưng ở chợ lại không có. Các đơn vị không kịp thời trong cung ứng hàng hóa, không cam kết uy tín. Do vậy, nếu lỡ mua phải hàng kém chất lượng, tiểu thương nhiều khả năng sẽ lãnh đủ. Chị Lê Thị Mỹ Thương, chủ một sạp hàng tạp hóa cho biết: “Nhiều khách hàng hỏi tôi siêu thị có giảm giá nhưng sao ở chỗ chị lại không có, tôi không biết trả lời làm sao”..

Cũng theo các tiểu thương, một số doanh nghiệp trong nước đã cải thiện cung cách phân phối nhưng nhiều tiểu thương phải lấy hàng qua đại lý trung gian. Một số đơn vị không cung cấp đủ thông tin nên người bán không hề biết đến mức độ ưa chuộng của sản phẩm trên thị trường. Đối với siêu thị, các doanh nghiệp trong nước thường chấp nhận để thời gian thanh toán lên đến một tháng rưỡi, nhưng với tiểu thương chỉ cho thời hạn thanh toán trong vòng một đến hai tuần. Theo ông Nguyễn Chí Xanh, Trưởng Ban quản lý chợ Tuy Hòa, thời gian qua, ở chợ gần như không có các chương trình thể hiện sự quan tâm, kết nối chặt chẽ giữa nhà sản xuất nội với tiểu thương. Một số đơn vị thiếu quan tâm đến việc tiếp thị, cho người thông báo việc thay đổi giá làm tiểu thương, khách hàng gặp khó khăn trong quá trình trao đổi, mua bán. Chị Lê Văn Hòa, một tiểu thương ở chợ Đồng Xuân cho biết: “Lấy hàng Trung Quốc thoải mái hơn hàng Việt, chỉ cần điện thoại là có người chở tới, bán được rồi mới thanh toán, không hạn chế thời gian”. Điều đáng nói là các sản phẩm địa phương như bò một nắng, muối kiến vàng, cá ngựa, nước giải khát… cũng gần như không có ở chợ. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên, trước đây đơn vị cũng đã đưa một số sản phẩm nước giải khát vào bán ở chợ, nhưng kết quả không mấy khả quan bởi người tiêu dùng thường chọn mua những loại sản phẩm có giá rẻ hơn trong khi người bán cũng chưa nhiệt tình quảng bá, gây khó khăn cho doanh nghiệp”.

VƯỢT QUA RÀO CẢN

Hiện các nhà sản xuất trong nước vẫn coi trọng việc đưa hàng Việt vào các trung tâm thương mại, siêu thị hoặc xuất khẩu hơn là đưa hàng vào phân phối ở chợ. Từ đó các doanh nghiệp chưa đảm bảo việc giao hàng, chiết khấu thấp, hoạt động quảng cáo ít, lơ là khuyến mãi… Theo ông Nguyễn Chí Xanh, các doanh nghiệp chưa thấy hết vai trò của tiểu thương như một cầu nối quan trọng đưa sản phẩm của doanh nghiệp đến với khách hàng, bởi họ có kinh nghiệm trong buôn bán, dễ tác động đến tâm lý người tiêu dùng. Hiện nay các tiểu thương cũng đã tiếp cận cung cách bán hàng chuyên nghiệp, trau dồi văn hóa giao tiếp, ứng xử trong kinh doanh nên bên cạnh tốn nhiều tiền cho quảng cáo, các đơn vị còn cần quan tâm đến kênh tiêu thụ ở chợ nhằm nâng cao doanh số bán hàng, uy tín đơn vị, để hàng hóa Việt tại chợ ngày càng phong phú. Ông Nguyễn Đình An, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Sơn Hòa cho biết: “Để hàng Việt về chợ nhiều hơn, các nhà sản xuất phải quan tâm đến phân khúc thị trường, sản xuất ra các sản phẩm phù hợp khả năng của người thu nhập thấp, thường xuyên cung cấp thông tin về khuyến mãi, giảm giá cho các tiểu thương. Ngoài ra, các tiểu thương cũng phải chủ động lựa chọn doanh nghiệp để có nguồn hàng rẻ, đảm bảo chất lượng. Địa phương luôn tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp quảng bá, đưa hàng Việt vào chợ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho người tiêu dùng”.

Theo ông Bá Thanh Kia, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, bên cạnh việc không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm, nhà sản xuất cũng phải mở rộng kênh phân phối nhất là tập trung toàn lực đưa hàng Việt về nông thôn, vào chợ truyền thống để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng trở nên hiệu quả.

XUÂN HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek