Đề án đào tạo nghề chế biến gỗ mỹ nghệ xuất khẩu cho các đối tượng chính sách, người bị thu hồi đất và lao động nông nhàn đang được Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh (Sở Công thương) triển khai. Đề án này hứa hẹn không chỉ giúp hàng trăm lao động nâng cao thu nhập, mà còn giúp các doanh nghiệp giải bài toán thiếu nhân công.
Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Công nghiệp gỗ Trường Thành - Ảnh: P.NAM
300 LAO ĐỘNG ĐƯỢC ĐÀO TẠO NGHỀ
Hiện hoạt động chế biến gỗ mỹ nghệ được triển khai ở hầu hết các địa phương, nhưng tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp. Tuy nhiên, số lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu sản xuất của các cơ sở chế biến gỗ mỹ nghệ xuất khẩu lại rất thiếu và yếu. Theo Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh, hiện nhiều lao động có tay nghề không mặn mà với công việc, dẫn đến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng thiếu lao động. Vì vậy, việc đào tạo nghề cho người lao động để làm việc lâu dài, nhất là các doanh nghiệp sản xuất gỗ mỹ nghệ và gỗ mỹ nghệ xuất khẩu là hết sức cần thiết. Qua đó, từng bước hình thành lực lượng nòng cốt, đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề trong những năm tiếp theo, đồng thời tạo điều kiện cho người lao động tại các địa phương có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đề án đào tạo nghề gỗ mỹ nghệ xuất khẩu cho các đối tượng chính sách, người bị thu hồi đất và lao động nông nhàn đang được triển khai tại Công ty cổ phần Công nghiệp gỗ Trường Thành, Hợp tác xã Tân Hòa Bình và một số đơn vị khác cho 300 lao động, với kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Thời gian đào tạo 5 tháng, từ tháng 3 đến tháng 8/2012 tại Công ty cổ phần Công nghiệp gỗ Trường Thành. Khi kết thúc lớp học, người lao động sẽ nắm bắt các kỹ năng cơ bản trong vận hành máy móc, an toàn lao động, cơ cấu vật liệu và vệ sinh công nghiệp, đồng thời tiếp cận cách chọn, xử lý nguyên liệu, thực hành tạo dáng, lắp ghép và kỹ thuật hoàn chỉnh sản phẩm. Qua đó, người lao động sẽ đạt được trình độ cơ bản về tay nghề, sản xuất hoàn chỉnh các sản phẩm gỗ mỹ nghệ xuất khẩu theo mẫu đơn hàng đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mạnh dạn hơn trong tiếp nhận, ký hợp đồng lao động lâu dài. Ông Lê Thanh Khanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: “Việc đào tạo nghề chế biến gỗ mỹ nghệ xuất khẩu cho người lao động là nhằm cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao cho các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương”.
DOANH NGHIỆP KỲ VỌNG
Theo Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh, nguồn nguyên liệu chính để phục vụ sản xuất các sản phẩm gỗ mỹ nghệ xuất khẩu có giá trị kinh tế cao là gỗ rừng trồng hiện đang rất dồi dào tại các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh và các tỉnh giáp ranh như Đắk Lắk, Gia Lai và Bình Định. Thị trường gỗ mỹ nghệ trong và ngoài nước đang sôi động, trong đó các mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm là bàn, ghế. Vì vậy, việc đào tạo nghề cho người lao động chuyên về sản xuất gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp không chỉ giải quyết việc làm cho người lao động, mà còn góp phần tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các địa phương trong tỉnh theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu.
Sau khi đào tạo, 300 lao động sẽ được các doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp với mức thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Ông Lê Ngọc Thự, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp gỗ Trường Thành, một trong những đơn vị được hưởng lợi qua việc đào tạo 300 lao động này cho biết: Doanh nghiệp đang cần mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm gỗ, nhưng lại đang trong tình trạng thiếu lao động có tay nghề. Việc Sở Công thương Phú Yên tổ chức lớp đào tạo nghề chế biến gỗ mỹ nghệ xuất khẩu cho người lao động giúp doanh nghiệp giải bài toán thiếu lao động. Khi bảo đảm được nguồn nhân lực thì doanh nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tốt nguồn nguyên liệu gỗ, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách cho địa phương.
PHƯƠNG NAM