Thứ Sáu, 29/11/2024 03:44 SA
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Sông Hinh:
Đảng viên đi trước, làng nước theo sau
Thứ Tư, 16/05/2012 07:30 SA

Trong những năm qua, huyện Sông Hinh đã triển khai nhiều chương trình, dự án kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo cho người dân. Vì đây đều là những mô hình cây, con mới nên lúc đầu việc triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn, trở ngại. Với tinh thần gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, các chương trình này được người dân đồng tình hưởng ứng.

 

lualai1120516.jpg

Người dân tham quan mô hình lúa lai TH3-3 ở xã Đức Bình Đông (Sông Hinh) - Ảnh: V.THÙY

Năm 2011, dự án cây cao su tiểu điền được thực hiện trên vùng đất phía tây nam của huyện. Đến với dự án, người nông dân được cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp, được ngân hàng tạo điều kiện vay vốn dài hạn đến khi có sản phẩm, được hỗ trợ kỹ thuật ngay tại rẫy, mỗi hộ có thể trồng 10ha. Cơ chế ưu đãi thông thoáng cùng với tiềm năng đất đai rộng lớn, màu mỡ, dự án là cơ hội tốt để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập gia đình. Nhưng thời điểm đó, cao su là loại cây quá mới mẻ, nhiều người chưa biết rõ nên... lắc đầu! Nhưng cũng có người mong muốn mang đến những đổi thay như Ma Đuông ở buôn Trinh, xã Ea Bar. Khi đó Ma Đuông còn là cán bộ xã, vượt qua những lời can ngăn của gia đình, dòng họ, anh nhận trồng 3ha. Để lấy ngắn nuôi dài và không tốn công làm cỏ, hàng năm Ma Đuông trồng xen canh cây bắp, cây mì. Với nỗ lực của mình, giờ đây trung bình mỗi ngày cạo mủ, Ma Đuông thu về trên dưới một triệu đồng. Đáng mừng hơn là quyết tâm của Ma Đuông đã thuyết phục hàng trăm hộ dân trong buôn, trong xã chuyển đổi những cây trồng kinh tế thấp sang cây cao su và có thu nhập cao hơn.

 

Mới đây nhất là trong vụ lúa đông xuân 2011-2012, huyện Sông Hinh triển khai mô hình trồng lúa lai TH 3-3 về xã Đức Bình Đông. Đây là giống lúa mới, năng suất cao, do Việt Nam nghiên cứu. Tham gia mô hình, người trồng lúa được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được hỗ trợ kỹ thuật. Một số hộ dân trong xã đã đăng ký, nhưng đến khi thực hiện thì họ từ chối vì cách thâm canh quá mới mẻ. Đó là việc gieo sạ 5kg lúa giống/ sào (1.000m2) so với thói quen truyền thống là 25kg đã làm người nông dân chưa thực sự tin tưởng. Không để mô hình đi vào ngõ cụt, lần lượt các cán bộ: Nguyễn Đình Quốc, Chủ tịch UBND; Nguyễn Hữu Hóa, Phó chủ tịch UBND; Nguyễn Bạch Hùng, cán bộ nông lâm xung phong đảm nhận thay các hộ đã đăng ký trước đó. Chỉ trong một thời gian ngắn, hiệu quả của mô hình đã được khẳng định. Lúa TH 3-3 phát triển vượt trội, ít nhiễm sâu bệnh, bông to gấp rưỡi so với lúa thường, năng suất tăng cao hơn 2,5 tạ/sào, gạo thơm ngon, mô hình thu hút đông đảo bà con nông dân trong xã đến tham quan với không ít lời trầm trồ khen ngợi. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Quốc cho hay: “Phấn khởi nhất là nhiều nông dân đã nhận rõ hiệu quả thực tế, cùng với chủ trương của huyện Sông Hinh hỗ trợ 500.000 đồng tiền giống cho mỗi hecta nếu trồng TH 3-3, những ngày qua, có rất đông bà con đến xã để đăng ký mua giống trồng lúa lai trong vụ hè thu tới”.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh Nguyễn Khắc Sự cho biết, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện Sông Hinh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, trong đó trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Trong mỗi chương trình, dự án đều có dấu ấn quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Đó là Ma K’răng, Ma Thông (xã Ea Bá) đi đầu trong sản xuất lúa nước hai vụ, góp phần thay đổi tập quán canh tác đối với hàng ngàn hộ đồng bào thiểu số, từ lúa rẫy lạc hậu, bấp bênh sang cây lúa nước năng suất cao. Bí thư chi bộ Nguyễn Tài Khoa, (thôn Chứ Sai, xã Ea Trol) với mô hình nuôi heo rừng nhân giống cung cấp cho các hộ khác trong huyện. Trưởng khu phố 1 (thị trấn Hai Riêng) Lê Văn Lợi đi đầu với mô hình nuôi nhím thịt, nhím sinh sản, đến nay đã nhân rộng đến hơn chục hộ khác. Đảng viên Trần Thị Thu Trúc, thôn Chí Thán (xã Đức Bình Đông), từ mô hình trồng 200 cây ca cao do huyện đầu tư thí điểm, đã mạnh dạn đầu tư trồng thêm gần 2.000 cây trong diện tích hơn 2ha xen ghép với cây điều, cây tiêu, mỗi năm lợi nhuận thu về trên 50 triệu đồng. Từ hiệu quả đó, đến nay toàn xã đã có thêm 6ha ca cao trồng mới, nhiều hộ dân ở nơi khác trong và ngoài tỉnh cũng đã đến tham quan học tập. Mí Cách, trưởng buôn Zô, xã Ea Ly, đến từng hộ gia đình vận động, tuyên truyền về cơ chế hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm đối với cây mía. Nói đi đôi với làm, Mí Cách và đội ngũ cán bộ, đảng biên trong buôn trồng mía trước, nhờ vậy từ một buôn chỉ quen với cây mè, cây đậu, đến nay hầu hết đất sản xuất trong buôn đã chuyển sang trồng mía, hình thành vùng chuyên canh mía của xã Ea Ly. Với đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi, mỗi hecta mía ở đây mang về lợi nhuận trên 40 triệu đồng, đời sống của bà con buôn Zô ngày càng khởi sắc…  

“Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là cả quá trình dài với nhiều khó khăn, trở ngại. Nhưng cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở đã nêu cao tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, không ngại khó, ngại khổ, tích cực tìm tòi, học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi... giúp người dân nhìn vào mà làm theo. Đây chính là một biểu hiện sinh động của kết quả công tác dân vận của Đảng”.

(Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Trần Thanh Định)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek