Giá xăng dầu liên tục biến động, giá đá cây và một số mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cũng tăng… làm cho phí tổn mỗi chuyến biển càng đè nặng ngư dân. Tuy nhiên không vì thế mà tàu thuyền của ngư dân nằm bờ.
Đưa cá lên bờ - Ảnh: T.HƯƠNG
CHI PHÍ TĂNG
Theo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có khoảng 2.390 lượt phương tiện tàu, thuyền xuất bến khai thác hải sản với trên 19.000 lượt lao động tham gia đánh bắt. Trong bốn tháng đầu năm, tổng sản lượng hải sản khai thác toàn tỉnh đạt 18.800 tấn, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương khai thác được gần 3.600 tấn, tăng 8% so cùng kỳ 2011.
Từ đầu năm đến nay, sau nhiều đợt biến động tăng giảm, giá dầu diesel đã đội thêm 1.200 đồng/lít, đá lạnh cũng đã tăng giá từ 10.000 đồng lên 11.500 đồng/cây. Ngoài ra, một số nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm cũng tăng đáng kể. Theo ngư dân Phan Mãi ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, để thực hiện chuyến đánh bắt dài ngày trên biển, bình quân mỗi thuyền câu cá ngừ đại dương cần từ 3.000-5.000 lít dầu tùy vào công suất của thuyền, khoảng 800-900 cây đá lạnh và gần 25 triệu đồng tiền lương thực, thực phẩm… tổng chi phí cho một chuyến đánh bắt dao động từ 150-200 triệu đồng, tăng khoảng 30 triệu đồng so với trước đây.
Theo ngư dân, việc đánh bắt cá ngừ đại dương gặp nhiều khó khăn hơn trước do còn mang tính may rủi nhiều. Sau hơn 30 ngày đánh bắt biển xa, sáng 10/5 thuyền PY96617TS của ông Lê Văn Giúp đã cập cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa. Ông Giúp cho biết: “Mùa này cá ngừ di chuyển theo luồng và không còn tập trung nhiều như chuyến biển sau Tết Nguyên đán nên việc đánh bắt vất vả hơn nhiều. Đợt này thuyền của tôi chỉ câu được 36 con, ước khoảng 1,8 tấn cá, giảm nửa tấn so với chuyến trước”. Theo bà Trần Thị Anh, chủ Doanh nghiệp tư nhân Lợi Anh ở phường 6, TP Tuy Hòa, chuyên thu mua cá ngừ đại dương, đa số các thuyền đánh bắt trở về chuyến này sản lượng không cao, bình quân mỗi thuyền được 1,5-2,5 tấn cá, giảm khoảng 30% so với các chuyến biển trước đây.
Vì đánh bắt khó khăn hơn nên ngư dân phải kéo dài thêm chuyến biển để tìm cá, làm cho chất lượng cá bị giảm sút, giá bán vì thế cũng giảm theo. Ông Trần Văn Chiến, một ngư dân ở TP Tuy Hòa cho hay: Giá cá loại một và loại hai chênh nhau đến 100.000 đồng/kg. Bình thường mỗi chuyến biển, số cá bị kém chất lượng chiếm khoảng 10% sản lượng, nếu phải kéo dài thêm thời gian khai thác thì có khi tăng lên 20%. Mong muốn lớn nhất hiện nay của ngư dân là chất lượng đá lạnh được cải tiến hơn, có thể ướp được 14-16 giờ như các tỉnh khác thay vì chỉ ướp được 10 giờ như hiện nay.
Ngư dân đưa cá vào bờ - Ảnh: T.HƯƠNG
KIÊN TRÌ BÁM BIỂN
Theo nhiều ngư dân, mặc dù khó khăn là vậy song thuyền câu của họ vẫn kiên trì bám biển. Bởi nếu nằm bờ ngư dân lại càng bị thiệt hại hơn, vì đây là nghề chính để họ mưu sinh. Ngư dân Nguyễn Văn Bé ở phường 6, TP Tuy Hòa quả quyết: “Dù biết lợi nhuận giảm nhưng thuyền của tôi vẫn tiếp tục ra khơi. Ngư dân mà bỏ biển thì làm gì để kiếm cơm. Hơn nữa tài sản chúng tôi nằm hết trong chiếc thuyền, không ra khơi không được”. Còn Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry, Trưởng trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng cho biết: TP Tuy Hòa là nơi tập trung tàu thuyền khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh với số lượng hơn 400 chiếc. Mặc dù đang gặp khó khăn nhất định nhưng tất cả đều ra khơi, từ đầu năm đến nay mỗi tàu cũng đã thực hiện được từ 3-4 chuyến biển.
Hiện nay, giá thu mua cá ngừ tương đối ổn định ở mức 180.000 đồng/kg và cửa biển Đà Diễn đã được khơi thông, tàu thuyền ra vào thuận lợi cũng là nguồn động viên bà con ngư dân duy trì ra khơi. Theo ngư dân, với giá thu mua cá như trên, tuy chi phí chuyến biển tăng và sản lượng không bằng như trước nhưng những tàu khai thác đạt sản lượng khoảng 2 tấn/chuyến cũng có lãi 30 triệu đồng. Ngoài ra, để thích nghi với điều kiện và tập tính của cá, hiện nhiều ngư dân phường 6 đang đầu tư thiết bị như máy phát điện, bóng điện… để có thể câu cá ngừ đại dương bằng tay như cách làm của ngư dân các tỉnh lân cận, mở ra một hướng làm ăn mới, giúp ngư dân có thể kéo dài mùa câu.
Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh khẳng định: Đánh bắt cá ngừ đại dương là một trong những nghề đang mang lại hiệu quả cho ngư dân. Vì vậy, nhiều ngư dân mạnh dạn đầu tư cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn. Nhà nước đang có những chính sách để hỗ trợ tạo điều kiện cho bà con ngư dân yên tâm vươn ra khơi xa làm chủ ngư trường, nâng cao hiệu quả của nghề khai thác cá ngừ đại dương.
TUYẾT HƯƠNG