Tình trạng sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ngày càng tăng, không chỉ gây thiệt hại cho người nông dân, gây ô nhiễm môi trường, mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.
Sản xuất phân bón NPK ở Công ty TNHH Hoàng Long Vina tại KCN Hòa Hiệp - Ảnh: N.TRƯỜNG
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình trạng sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng ngày càng tăng, vấn đề này không chỉ gây thiệt hại cho người nông dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất chất lượng nông sản, gây ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón làm ăn nghiêm túc.
Ông Nguyễn Gia Tường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tại cuộc họp với Bộ Công thương mới đây cho biết, tính đến hết tháng 4, lượng tồn kho của Tập đoàn còn 550.000 tấn, chủ yếu phân NPK. Do tiêu thụ cạnh tranh của các hộ làm phân NPK nhỏ lẻ nên cũng trong 4 tháng qua, tăng trưởng loại phân bón này của Tập đoàn giảm 18%. Còn ông Bùi Thế Chuyên, Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh Vinachem cho rằng, do sản xuất phân NPK rất đơn giản, chỉ cần mua một vài thành phần nguyên liệu hóa chất, cho vào thùng quấy trộn nên nhiều cơ sở sản xuất đã mọc ra, khó kiểm soát được chất lượng.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Đình Hạc Thúy, số lượng phân bón mà các doanh nghiệp nhỏ, lẻ làm ra không đáng kể nhưng lại gây hậu quả xấu bởi chất lượng sản phẩm kém. Trong khi đó, các nhà máy lớn đều không chạy hết công suất. Rồi nạn phân giả, kém chất lượng lại đang làm rối thị trường khiến các doanh nghiệp chân chính không thể sản xuất kinh doanh.
Được biết nhằm lập lại trật tự trong hoạt động sản xuất kinh doanh Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đang phối hợp soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 113/2003/NĐ- CP về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón; dự thảo sẽ được Bộ NN-PTNT hoàn thiện trình Chính phủ vào quý 3/2012. Điểm quan trọng nhất của Nghị định là đưa sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước trở thành ngành kinh doanh có điều kiện. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải có đủ điều kiện: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận hoặc giấy phép đầu tư đối với các doanh nghiệp FDI có ngành nghề sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp... Ngoài ra, có các điều kiện về địa điểm, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, kho chứa… theo quy chuẩn được hai bộ này ban hành.
Để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, doanh nghiệp cần có chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng; có máy móc, thiết bị quy mô công nghiệp đạt tiêu chuẩn; có phòng kiểm nghiệm phân tích chất lượng cho từng lô sản phẩm hoặc có hợp đồng phân tích còn hiệu lực với các phòng kiểm nghiệm hoặc tổ chức chứng nhận chất lượng phân bón được công nhận; có trang thiết bị an toàn phòng, chống cháy nổ; có trang thiết bị kiểm soát, thu gom và xử lý chất thải nguy hại; có diện tích hoặc có hợp đồng thuê kho chứa bảo quản phân bón phù hợp. Doanh nghiệp phải có đủ số lượng, chất lượng cán bộ kỹ thuật chuyên môn về lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất phân bón; có quy trình kỹ thuật, quy trình công nghệ sản xuất, quy trình phân tích kiểm tra chất lượng phù hợp với loại phân bón sản xuất.
Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, dự thảo nghị định mới sẽ bảo đảm siết chặt hơn hoạt động sản xuất phân bón, giúp cho hoạt động này minh bạch hơn cũng như bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người nông dân.
Tuy nhiên bên cạnh việc sửa đổi nghị định này, các doanh nghiệp cũng cho rằng cần bổ sung hoàn thiện Nghị định 15 về xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất kinh doanh phân bón tạo sự đồng bộ trong quản lý sản xuất và kinh doanh phân bón, bởi với mức phạt 40-50 triệu đồng như hiện nay là thấp, không đủ sức răn đe.
(Chinhphu.vn)