Bỏ giống lúa canh tác dài đến 5 tháng nhưng năng suất thấp, người dân EaTrol (huyện Sông Hinh) đã áp dụng được mô hình giống lúa nước 3 tháng năng suất 70 tạ/ha.
Từ ngày đập dâng EaTrol hoạt động (năm 2002) đến nay, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã biết làm lúa nước, nhưng vẫn chưa tìm được cách sản xuất phù hợp. Giống dài ngày, năng suất đạt thấp nên việc xóa đói giảm nghèo trông chờ vào cây lúa vẫn chưa như mong muốn.
Mô hình lúa năng suất cao với giống ĐV108 tại buôn Bầu, xã EaTrol - Ảnh: LY KHA |
Vụ hè thu vừa qua, EaTrol được Trung tâm Khuyến nông – lâm Phú Yên hỗ trợ thực hiện mô hình lúa nước trên diện tích 1 ha tại buôn Bầu. Giống lúa được sử dụng là ĐV108, năng suất thực thu bình quân đạt được 70,02 tạ/ha. Ma Tin, một trong năm hộ nông dân được chọn thực hiện mô hình này, bảo rằng: “Bà con mình từ xưa tới giờ làm lúa phải 5 tháng mới thu hoạch, nay làm chỉ 3 tháng mà lại thu hoạch được nhiều lúa hơn, vui lắm!”.
Theo Ma Tin, trước đây người dân EaTrol làm giống lúa Sao Mai, sau 5 tháng canh tác thu được năng suất bình quân khoảng 35-38 tạ/ha. Còn bây giờ, Ma Tin nói: “Năng suất lúa được hơn 70 tạ, Nhà nước lại hỗ trợ phân bón. Nhà tôi có 6 sào, thu cũng khá, không phải lo thiếu gạo ăn nữa rồi”.
Cả xã EaTrol có 2.734 ha đất canh tác các loại cây ngắn ngày và cây hằng năm như mè, mía, sắn, bắp...; riêng diện tích lúa nước là 166 ha. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Trạm Khuyến nông – lâm huyện Sông Hinh cho biết: Mô hình trồng lúa 3 tháng đã thực sự mang lại niềm vui cho người dân EaTrol vì hiệu quả kinh tế thấy rõ. Vấn đề tồn tại hiện nay là bà con sử dụng nước tưới chưa được hợp lý. UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá thực tế tình hình điều tiết, sử dụng nước tưới của hệ thống đập dâng EaTrol, từ đó đề xuất các giải pháp để điều tiết nước hợp lý, trên diện tích 120 ha.
LY KHA