Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả trên đất canh tác lúa tại xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa” đang được triển khai không chỉ vì mục tiêu nâng thu nhập lên 40-50 triệu đồng ha/năm cho địa phương này, mà còn nhân rộng ra cả huyện Tây Hòa.
Luân canh cây trồng để mang lại lợi nhuận cao hơn trên một diện tích đất nông nghiệp đang được áp dụng tại dự án ở xã Hòa Đồng – Ảnh: M. CHÂU
Ông Nguyễn Hữu Pháp, Trưởng phòng Kinh tế huyện Tây Hòa cho biết: “Qua đánh giá kết quả sản xuất 2 vụ lúa/năm tại xã Hòa Đồng cho thấy hiệu quả kinh tế chưa ngang tầm (doanh thu bình quân thu được từ đất sản xuất lúa khoảng 25 – 30 triệu ha/năm, lãi ròng chỉ đạt từ 7 – 10 triệu đồng/năm). Nguyên nhân là do thông tin tuyên truyền về các tiến bộ khoa học còn ít và chậm, người nông dân chưa am hiểu về kỹ thuật nên chưa thực hiện cơ cấu cây trồng hợp lý, chưa khai thác hết tiềm năng đất đai”. Theo ông Pháp, các cơ cấu nổi trội và thích nghi với điều kiện tại Hòa Đồng là: lúa – đậu tương – lúa, lúa – đậu tương xen ngô – lúa và lúa – đậu tương xen ngô – dưa lấy hạt.
Từ những nhận định đó, dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả trên đất canh tác lúa tại xã Hòa Đồng” ra đời. Dự án ứng dụng các giải pháp khoa học – công nghệ về giống, biện pháp canh tác, kỹ thuật thâm canh… của các loại cây trồng khác nhau đã xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả trên đất canh tác hai lúa. Đồng thời, chuyển giao được các giải pháp KHCN trên cho các kỹ thuật viên cũng như người nông dân trực tiếp sản xuất trong vùng dự án. Các mô hình của dự án phải đảm bảo đạt doanh thu từ 40 – 50 triệu /ha, lãi ròng từ 40% trở lên.
Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ là đơn vị sẽ chuyển giao công nghệ cho dự án này. Dự án sẽ đào tạo được 10 kỹ thuật viên là người địa phương nắm vững kỹ thuật sử dụng giống mới và quy trình thâm canh lúa, ngô lai, trồng dưa lấy hạt và đậu tương để làm nòng cốt cho địa phương. Dự án cũng sẽ tiến hành mở các lớp tập huấn và hội nghị tham quan đầu bờ cho bà con nông dân, qua đó nâng cao trình độ hiểu biết đối với việc ứng dụng KHCN trong sản xuất. Ông Nguyễn Trí Phương, một nông dân ở xã Hòa Đồng phấn khởi: “Chúng tôi rất mừng khi được tham gia dự án và sẽ thực hiện đúng các giải pháp khoa học theo yêu cầu của cơ quan chuyển giao với phần vốn đối ứng là công lao động và phân chuồng”.
Khi kết quả dự án được nhân rộng cho 50% diện tích đất lúa (khoảng trên dưới 1.000 ha) ở tất cả các địa phương toàn huyện Tây Hòa, lợi nhuận sẽ mang lại khoảng 28 tỷ đồng/năm. Để sản xuất tốt mang lại mức lợi nhuận như trên cần một lực lượng khoảng 2 – 3 triệu lao động/năm giải quyết đáng kể lao động nông dân.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Phú Yên, cho biết: “Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả trên đất canh tác lúa tại xã Hòa Đồng”, mở ra phương hướng khai thác có hiệu quả tài nguyên khí hậu và đất đai còn dồi dào tại địa phương nhằm phát triển kinh tế – xã hội các vùng nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống nông dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
MINH CHÂU