Phân bò đang trở thành mặt hàng đắt khách, các điểm thu gom phân bò mọc lên ở nhiều nơi. Trong khi đó, nhiều cánh đồng đang thiếu phân bò làm “vốn” dinh dưỡng cho đất.
Điểm tập kết phân bò trên quốc lộ 1 đoạn qua xã An Hiệp (huyện Tuy An) - Ảnh: H.NAM
PHÂN BÒ ĐẮT HÀNG
Dọc theo quốc lộ 1, đoạn qua thôn Phú Điềm, xã An Hòa và thôn Hòa Đa, xã An Mỹ (huyện Tuy An), phân bò được cho vào bao chất đống nối dài. Ở xã Bình Kiến, Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) cũng có nhiều đại lý chuyên mua phân bò. Sau khi thu gom, phân bò được xe tải chở đi các tỉnh và trở thành một trong những mặt hàng hút hiện nay.
Để có sản phẩm tiêu thụ, các đại lý thu mua phân bò lùng sục đến tận các xã như Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), Sơn Long (huyện Sơn Hòa) mua hàng. Tại đây họ còn đặt các “chi nhánh” mua phân bò.
Anh Nguyễn Xuân Cường, chủ đại lý phân bò ở thôn Phú Điềm (xã An Hòa, huyện Tuy An) cho biết: “Tôi theo nghề này đã 5 năm, làm ăn thấy được nên bỏ vốn đầu tư. Hiện tôi có mở chi nhánh tại xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa”. Anh Cường nhẩm tính, chỉ tính riêng huyện Tuy An đã có đến 50 điểm mua phân bò.
Phân bò đang là mặt hàng giúp tăng thu nhập cho nhiều nông dân. Bà Nguyễn Thị Nga ở xã Xuân Sơn Nam cho biết, gia đình nuôi 5 con bò, trung bình một tháng gom bán được 300.000 đồng.
Theo ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT: Ngành NN-PTNT sẽ phối hợp với các địa phương vận động nông dân không bán phân hữu cơ (phân bò) ra ngoài tỉnh, tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ tại chỗ để bón cho đồng ruộng cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây lúa vào các giai đoạn cần thiết. Nguồn phân hữu cơ này giúp tăng năng suất cây trồng, nâng cao độ phì nhiêu cho đất, giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó Sở NN- PTNT khuyến cáo nông dân kết hợp với việc sử dụng các loại phân đơn (urê, lân, kali...) để giảm chi phí sản xuất. |
Một số xã như An Hiệp, An Cư có nhiều người làm nghề đi nhặt phân bò. Hằng ngày, họ rong ruổi khắp các tuyến đường nhặt phân bò phơi khô, thậm chí nặn thành bánh. Đang vào vụ gặt nên nhiều người thu được nhiều phân bò vì bò được thả ăn tập trung.
Anh Chẩn, chủ một đại lý gần đây bỏ cả trăm triệu đồng mua xe tải 15 tấn chuyên chở phân bò đi liên tỉnh. Anh cho biết: “Một tháng trung bình tôi xuất bán 10 xe; chở vô Bình Thuận bán lại cho người trồng thanh long, phần chở lên Gia Lai, Đắk Lắk để bán lại cho người trồng cà phê. Gần đây các nhà máy phân vi sinh Gia Lai, Đắk Lắk cũng đặt hàng”. Chưa có con số thống kê chính thức nhưng ước tính trên địa bàn tỉnh Phú Yên, mỗi tháng lượng phân bò xuất đi các tỉnh lên hàng trăm tấn.
ĐẤT NGHÈO DINH DƯỠNG
Phân bò xuất đi các tỉnh với số lượng lớn nên các cánh đồng xã An Hiệp, An Hòa (huyện Tuy An), An Phú (TP Tuy Hòa) không còn phân bò bón ruộng. Đất ở đây từ màu mỡ hóa thành đất nghèo dinh dưỡng. Anh Ngô Văn Thuận, ở xã An Hiệp nói: “Chi phí cho một sào ruộng gồm bón phân, làm đất, thu hoạch... quá cao, nông dân không có lãi. Mùa thu hoạch lúa hè thu năm nay, tôi không dám thuê máy gặt đập liên hợp mà thuê công nhàn rỗi để cắt, nhưng tính ra phần chi phí cho phân bón vẫn “nuốt” gần hết”.
Ông Võ Văn Sử, nông dân ở huyện Đồng Xuân tâm sự: “Lâu nay tôi vẫn dùng phân bò bón ruộng nên hai thửa ruộng nhà tôi ít sâu bệnh, còn ruộng bên cạnh xịt thuốc trừ sâu liên tục vì họ dùng nhiều phân hóa học”. Theo kinh nghiệm của nông dân, đối với ruộng bón lót phân bò thì về sau chỉ bón ít phân kali hoặc urê. Bón phân bò một vụ, đất tốt có thể dùng đến 2-3 vụ sau. “Họp xã viên lần nào tôi cũng có ý kiến về nghịch lý này nhưng bà con nghe rồi bỏ ngoài tai”, ông Sử nói.
Ông Nguyễn Đồng Minh, chủ nhiệm HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Kiến 2 (TP Tuy Hòa) phân tích: “Để chữa căn bệnh ruộng nghèo dinh dưỡng, cần phải bón phân bò. Nếu không có phân bò làm “vốn” cho đất thì năm nào nông dân cũng phải tốn số tiền lớn mua các loại phân bón hóa học đầu tư, như vậy cầm chắc là lỗ”.
MẠNH HOÀI NAM