Lo ngại dòng chảy thay đổi xâm thực làm sạt lở bờ sông và thất thoát tài nguyên, người dân nhiều lần làm đơn “kêu cứu” và chính quyền địa phương cũng không đồng tình về tình trạng khai thác cát của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Dương. Thế nhưng ngành chức năng lại tham mưu cho UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác, tạo cơ hội cho doanh nghiệp này tiếp tục sai phạm.
Cát được tập kết dưới cầu Ngân Sơn, địa điểm không được UBND tỉnh đồng ý - Ảnh: P.NAM
SAI PHẠM… VẪN ĐƯỢC CẤP PHÉP
Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Dương (DNTN Hoàng Dương) ở thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) được UBND tỉnh Phú Yên cấp phép khai thác cát tại khu vực gò Soi nằm về phía nam sông Cái, thuộc thôn Long Hòa, xã An Định để phục vụ nhu cầu xây dựng và dân sinh. Theo giấy phép, cát được khai thác ở độ sâu 1m, công suất 400m3/tháng, thời gian khai thác từ tháng 2-9/2011, địa điểm tập kết cát dưới chân cầu Ngân Sơn, nằm về phía bắc sông Cái, thuộc địa bàn thôn Phú Mỹ, xã An Dân. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, Hoàng Dương đã ngang nhiên khai thác tại nhiều địa điểm nằm về phía bắc sông Cái. Hành vi trên khiến người dân thôn Phú Mỹ bất bình, lo ngại gây sạt lở bờ sông, cuốn trôi đất sản xuất, thổ cư, mồ mả và các công trình khác ven sông.
Ngày 18/7/2011, Phòng TN-MT huyện Tuy An tiến hành kiểm tra xác định, DNTN Hoàng Dương tự ý khai thác ngoài khu vực được cấp phép 30m, độ sâu bình quân 2,1m, vượt mức cho phép 1,1m, vị trí nằm về phía bắc sông Cái thuộc địa bàn thôn Phú Mỹ. Qua đó, UBND huyện Tuy An đã xử phạt vi phạm hành chính 6,5 triệu đồng, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện theo đúng nội dung giấy phép. Tuy nhiên, sau đó DNTN Hoàng Dương vẫn bất chấp, cố tình tái phạm, nên trong tháng 8/2011 lại bị phạt tiếp 8 triệu đồng. Điều đáng nói là bị phạt nhiều lần, nhưng cơ quan có thẩm quyền không có biện pháp xử lý kiên quyết hơn, nên doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên tiếp tục khai thác.
Chỉ thị ngày 31/5/2011 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn nêu rõ: Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoạt động khoáng sản phải thực hiện đúng quy định về xin cấp phép và chỉ được phép hoạt động khoáng sản khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng, không được tự ý khai thác, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó… |
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc đã trực tiếp kiểm tra hiện trường và kết luận: Không nhất trí vị trí bãi tập kết cát nói trên, đồng thời chỉ đạo UBND huyện Tuy An quy hoạch điểm tập kết cát khác về phía thượng nguồn sông Cái và công bố cho nhân dân biết. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tập kết cát tại vị trí cũ.
Tiếp đó, ngày 14/9/2011, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên có văn bản gửi UBND tỉnh Phú Yên, kiến nghị thu hồi giấy phép khai thác cát của DNTN Hoàng Dương vì không thực hiện đúng nội dung giấy phép được cấp, không thực hiện đầy đủ các ý kiến kết luận của UBND tỉnh và UBND huyện Tuy An; thiếu hợp tác với địa phương và nhân dân trong giám sát; cố tình vi phạm nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính, gây phức tạp trật tự xã hội tại khu vực khai thác...
Tuy nhiên, ngày 3/10/2011, Sở TN-MT lại có báo cáo cho rằng, việc khiếu kiện của người dân thôn Phú Mỹ là chưa có cơ sở; sai phạm của Hoàng Dương chưa đến mức nghiêm trọng phải thu hồi giấy phép, đồng thời đề nghị UBND tỉnh xem xét tiếp tục cấp giấy phép mới cho doanh nghiệp này. Trên cơ sở tham mưu của Sở TN-MT và các đơn vị liên quan, ngày 6/3/2012, UBND tỉnh có quyết định cho DNTN Hoàng Dương thuê đất để khai thác khoáng sản tại mỏ cát sông Cái, thuộc thôn Long Hòa, xã An Định.
TIẾP TỤC SAI PHẠM
Hơn 10 ngày qua, dòng sông Cái, đoạn qua địa bàn thôn Long Hòa, xã An Định và thôn Phú Mỹ, xã An Dân (huyện Tuy An) lại “dậy sóng” do tình trạng khai thác cát diễn ra ồ ạt từ sáng đến chiều tối. Người dân địa phương cho biết, đối tượng chủ yếu là dân trong vùng, được Hoàng Dương thuê, dùng xuồng máy bơm hút cát từ các nơi, tập kết về phía bắc cầu Ngân Sơn, nơi mà trước đây Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc không chấp thuận. Tại đây, trong khoảng 15 phút, có từ 5-7 chiếc xuồng máy từ các hướng chở đầy cát, rầm rộ bơm trực tiếp lên bờ như một công trường lớn. Ông Nguyễn Xuân Khiêm, Trưởng phòng TN-MT huyện Tuy An khẳng định: “Sản lượng khai thác cát của Hoàng Dương không được cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ; giá cát sau khai thác cũng không được kiểm soát”.
Theo giấy phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh cấp ngày 15/2/2012, Hoàng Dương được phép khai thác cát trên diện tích 1,8ha, công suất 1.000m3/tháng (gấp 2,5 lần so với năm 2011) tại mỏ cát trên sông Cái, thuộc địa bàn thôn Long Hòa, xã An Định, đến hết tháng 10/2012. Điều đáng nói là ngay sau khi được cấp phép và có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh, Hoàng Dương chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định mà đã tiến hành khai thác ồ ạt, tập kết cát khối lượng lớn dưới chân cầu Ngân Sơn. Giải thích về vấn đề này, ông Đoàn Đình Dương, chủ DNTN Hoàng Dương cho rằng: “Hiện nay doanh nghiệp chỉ tổ chức làm bãi chứa cát và đường lạch vào mỏ chứ chưa khai thác chính thức”. Tuy nhiên, theo biên bản kiểm tra ngày19/3/2012, có sự tham gia của Phòng TN-MT huyện Tuy An, UBND xã An Định và chủ doanh nghiệp, thì Hoàng Dương chưa có hợp đồng thuê đất của Sở TN-MT nên chưa được giao mốc thực địa theo quy định và chưa hoàn thành thủ tục giám đốc điều hành mỏ.
Các ngành chức năng cần kiểm tra đánh giá lại quá trình hoạt động khai thác cát của DNTN Hoàng Dương; xem xét trách nhiệm của chính quyền các cấp và cơ quan quản lý nhà nước? Đồng thời đề ra giải pháp khai thác cát có hiệu quả trên sông Cái trong thời gian tới.
PHƯƠNG NAM - ANH NGỌC