Sau gần một tháng triển khai, đến nay một số huyện đã tiêm vắc xin lở mồm long móng (LMLM) cho gia súc đạt hơn 90% tổng đàn và cũng có địa phương đang gặp khó khăn trong công tác này.
Cán bộ thú y thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh) tiêm phòng vắc xin LMLM cho bò tại buôn La Bách, thị trấn Hai Riêng - Ảnh: T.HƯƠNG
ĐỒNG BẰNG THUẬN LỢI
Sau khi nhận được nguồn vắc xin LMLM từ trung ương, từ đầu tháng 3/2012, Chi cục Thú y Phú Yên đã triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, dự kiến sẽ kết thúc đợt I vào cuối tháng 4/2012. Đến nay, một số huyện đã tiêm phòng đạt hơn 80% tổng đàn. Ông Trần Văn Quang, Trưởng Trạm thú y TP Tuy Hòa cho biết: Tổng đàn trâu bò của địa phương có khoảng 6.000 con; đến thời điểm này, chúng tôi đã tiêm phòng cho 5.800 con, dự kiến sẽ kết thúc đợt tiêm phòng vào cuối tháng 3/2012. Theo ông Quang, TP Tuy Hòa có thuận lợi là đàn gia súc ít, người dân hưởng ứng việc tiêm phòng vì được cấp vắc xin miễn phí.
Đối với TX Sông Cầu, các huyện Phú Hòa, Tuy An, Đông Hòa, Tây Hòa, công tác tiêm phòng cũng khá thuận lợi bởi người dân nhận thức được tác dụng của vắc xin LMLM đối với việc phòng chống bệnh dịch. Đồng thời, gia súc được nuôi nhốt, có đầy đủ thức ăn nên sức khỏe rất tốt, thuận lợi cho việc tiêm phòng. Theo ông Tống Văn Đường, Trưởng Trạm Thú y huyện Tuy An, hiện tổng đàn trâu, bò của huyện có khoảng 32.000 con; cán bộ thú y của trạm phối hợp với lực lượng thú y cơ sở và những người hành nghề thú y tự do trên địa bàn tổ chức tiêm phòng được gần 21.000 con, mục tiêu của đợt tiêm phòng này phải đạt tỉ lệ trên 90% tổng đàn.
SÔNG HINH GẶP KHÓ
Hiện tổng đàn gia súc của tỉnh có khoảng 181.500 con, trong đó tập trung nhiều ở 3 huyện miền núi, nơi đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán chăn thả bò đàn. Đối với hai huyện Sơn Hòa và Đồng Xuân, tuy không thuận lợi như các huyện vùng đồng bằng nhưng công tác tiêm phòng vẫn được thực hiện với tỉ lệ tiêm đạt hơn 80%. Ông Hoàng Trọng Tùng, Trưởng Trạm Thú y huyện Sơn Hòa cho biết: Thời gian qua, trạm nhận được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của địa phương, sự hưởng ứng của người chăn nuôi nên việc tiêm vắc xin LMLM đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, đợt tiêm phòng này rơi đúng vào lịch thời vụ sản xuất, bà con nông dân thường đưa bò ra đồng nên cán bộ thú y phải đi lại nhiều lần mới tiêm phòng được.
Khó khăn nhất hiện nay vẫn là huyện Sông Hinh. Theo số liệu thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, vào cuối năm 2011, tổng đàn trâu, bò của huyện gần 21.000 con, tập trung ở các xã Ea Trol, Ea Bá, Ea Lâm, Ea Bia... Sau một tháng triển khai tiêm phòng, đến nay, Trạm Thú y huyện Sông Hinh chỉ mới tiêm vắc xin được khoảng 3.200 con. Những nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ tiêm phòng vắc xin của địa phương đạt thấp là do phần lớn bò ở đây được nuôi theo phương thức chăn thả rông, sống chủ yếu dựa vào nguồn cỏ tự nhiên. Từ khi sắn, mía “lên ngôi”, diện tích đồng cỏ mất dần, bò thiếu thức ăn, thường xuyên bị đói nên rất gầy yếu, không đủ sức khỏe tiêm phòng. Đồng thời, bà con dân tộc thiểu số chưa ý thức được tác dụng của việc tiêm vắc xin LMLM nên không cho tiêm. Theo ông Hoàng Kim Chung, Trưởng Trạm Thú y huyện Sông Hinh, một vấn đề mới nảy sinh trong đợt tiêm phòng lần này là lực lượng thú y của trạm và xã rất ít, chỉ hơn chục người. Vận động những người hành nghề tự do ở các thôn, buôn tham gia tiêm phòng thì không thành vì lực lượng này đã bỏ nghề, chuyển sang làm mía, sắn, cao su... Ông Ma Hin ở buôn Bách, thị trấn Hai Riêng, trước đây hành nghề thú y cho biết: “Hiện giá một ngày công làm mía, sắn là 250.000 đồng. Trong khi đó, nếu đi tiêm phòng cho bò thì mỗi ngày giỏi nhất tôi cũng chỉ tiêm được 20 con, với giá 4.000 đồng/con, mỗi ngày chỉ kiếm được 80.000 đồng mà phải đi lại nhiều bởi địa bàn quá lớn. Bên cạnh đó, khi đến nơi, bà con chưa chắc đã đồng ý để mình tiêm vắc xin cho bò”.
Ông Hoàng Kim Chung, Trưởng Trạm Thú y huyện Sông Hinh cho biết: Trạm đang nỗ lực phối hợp cùng với lực lượng thú y xã vận động người dân tiêm phòng vắc xin LMLM cho gia súc với phương châm sẽ tiêm gia súc của cán bộ, trưởng thôn, buôn trước và sẽ ngừng tiêm một thời gian để bà con thấy việc tiêm vắc xin không làm chết bò. Sau đó, trạm quay lại vận động các hộ dân lân cận tham gia.
TUYẾT HƯƠNG