Tín dụng học sinh, sinh viên do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai đang giúp hàng chục nghìn hộ gia đình khó khăn ở huyện Tây Hòa có điều kiện cho con em tiếp tục học tập. Đây là một trong những địa phương giải ngân vốn cho học sinh, sinh viên vay đạt tỉ lệ cao nhất trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ tín dụng VBSP Tây Hòa (trái) hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn - Ảnh: L.HẢO
“PHAO CỨU SINH” CỦA HỘ NGHÈO
Gia đình bà Trần Thị Bừng ở thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 2 có ba người con lần lượt tốt nghiệp THPT rồi thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh. Bà Bừng tâm sự: “Mỗi khi con nhận giấy báo thi đậu, tôi vừa mừng lại vừa lo. Nhà có bốn sào ruộng nuôi năm miệng ăn nên có lúc gia đình tính để thằng anh nghỉ, nhường đứa em đi học. Nhưng rồi chúng tôi quyết tâm bằng mọi cách phải cho các con đến trường. Để có tiền cho con học tập, trang trải sinh hoạt phí, chúng tôi đã bán đi hai sào ruộng; đồng thời vay thêm vốn tín dụng học sinh, sinh viên của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) huyện Tây Hòa. Trước đây, gia đình phải chạy đôn chạy đáo vay bên ngoài với lãi suất cao nhưng vẫn không lo được tiền học hàng tháng cho con. Bây giờ, nhờ vốn vay ưu đãi, chúng tôi như bớt được gánh nặng”.
VBSP Tây Hòa vừa giải ngân đợt 2 hơn 8,3 tỉ đồng cho 1.660 học sinh, sinh viên vay. Đến nay, dư nợ chương trình cho vay học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện đạt gần 87 tỉ đồng, chiếm khoảng 54% tổng dư nợ của phòng giao dịch này.
Cũng giống như nhiều gia đình khác ở xã Hòa Đồng, kinh tế của hộ bà Đào Thị Phi ở thôn Phú Mỹ chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Chồng mất sớm, một mình bà tần tảo nuôi bốn đứa con nên người. Dù là người cần cù, chịu khó nhưng với sáu sào ruộng, bà Phi phải chật vật để lo cho cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học. Tuy vất vả nhưng bà Phi luôn động viên, khuyến khích các con học hành đến nơi đến chốn. Hiện ba người con lớn đang theo học đại học, đứa út học THPT. Bà Đào Thị Phi chia sẻ: “Nhờ ngân hàng cho vay vốn, con tôi mới có cơ hội tiếp tục đi học cho bằng bạn bằng bè, nếu không các cháu đã phải bỏ ngang vì gia đình không thể kham nổi. Giờ tôi chỉ mong con ra trường có việc làm ổn định, trả hết tiền vay để ngân hàng có vốn tiếp tục cho những gia đình khó khăn khác vay”.
Theo bà Trần Thị Thúy Oanh, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Đồng, thu nhập của bà con ở đây chủ yếu từ làm ruộng, không có nghề phụ nào khác nên chỉ có thể trông chờ vào vốn vay ngân hàng mới đủ sức cho con ăn học. Từ ngày có chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, tỉ lệ các cháu của xã đi học đại học, cao đẳng, trung cấp tăng lên hẳn.
XÁC ĐỊNH ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG VAY
Ông Nguyễn Chu, Giám đốc VBSP Tây Hòa cho biết: Đối tượng được vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn có con học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Từ năm 2007 đến nay, thông qua Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Thanh niên, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hơn 87 tỉ đồng cho gần 20.000 lượt học sinh, sinh viên của địa phương vay vốn. “Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội thiết thực; giúp học trò nghèo có cơ hội học tập, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế huyện Tây Hòa”, ông Chu nói.
Theo Giám đốc VBSP Tây Hòa Nguyễn Chu, để chương trình phát huy hơn nữa tính nhân văn, ý nghĩa xã hội, trong thời gian tới, ngân hàng sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà trường, địa phương và các hội đoàn thể theo dõi, rà soát, nắm bắt những gia đình khó khăn có nhu cầu vay vốn cho con đi học; bình xét, xác định đúng đối tượng cho vay; kiểm tra việc sử dụng vốn có đúng mục đích hay không. VBSP sẽ công khai, dân chủ từ cơ sở trong thực hiện tín dụng đối với học sinh, sinh viên; tạo kênh dẫn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng; hạn chế thấp nhất các tiêu cực có thể xảy ra. Ngoài ra, ngân hàng còn tăng cường tuyên truyền để những đối tượng được vay hiểu rõ mục đích chương trình; đồng thời nghiên cứu, cải tiến quy trình thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hộ vay.
LÊ HẢO