Theo kết quả vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố thì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phú Yên trong năm 2011 chỉ ở nhóm khá trong số 63 tỉnh, thành phố. Điều này đòi hỏi tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh từ đó nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Cán bộ bộ phận một cửa, một cửa liên thông tại Sở KH-ĐT giải quyết hồ sơ cho các cá nhân, tổ chức - Ảnh: H.TRUNG
TỤT 19 BẬC TRÊN BẢNG XẾP HẠNG
Theo VCCI, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Phú Yên trong năm 2011 đạt 55,15 điểm; xếp 50/63 tỉnh, thành trong cả nước; so với năm trước tụt 19 bậc trên bảng xếp hạng nhưng vẫn ở nhóm khá. Trong đó, các chỉ số thành phần có điểm cụ thể như sau: Chỉ số gia nhập thị trường đạt 7,95 điểm, chỉ số tiếp cận đất đai đạt 7,77 điểm, tính minh bạch: 5,67 điểm, chi phí thời gian: 6,07 điểm, chi phí không chính thức: 5,88 điểm; tính năng động của lãnh đạo 4,41 điểm, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 2,08 điểm, đào tạo lao động đạt 4,58 điểm, thiết chế pháp lý đạt 3,68 điểm. Nếu so với năm 2011 thì các chỉ số thành phần tăng điểm gồm chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, thiết chế pháp lý; các chỉ số thành phần bị giảm điểm là chi phí không chính thức, tính năng động của lãnh đạo tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động. Nếu so PCI của Phú Yên với tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cao nhất là Lào Cai thì Phú Yên thua 18,38 điểm, còn so với tỉnh Cao Bằng có PCI thấp nhất, Phú Yên chỉ hơn 4,13 điểm. Với khu vực 5 tỉnh duyên hải miền Trung từ TP Đà Nẵng đến tỉnh Khánh Hòa, xếp hạng PCI của Phú Yên cũng thấp nhất, kém xa so với TP Đà Nẵng (xếp thứ 5), thua cả tỉnh Bình Định (xếp thứ 38) và tỉnh Khánh Hòa (xếp thứ 34).
Ông Nguyễn Chí Hiến, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng PCI của Phú Yên, trong đó đáng chú ý là trong năm 2011, UBND tỉnh thu hồi nhiều dự án không có khả năng hoặc chậm triển khai nên cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Phú Yên có giảm sút. Ngoài ra, công tác cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng được thực hiện liên tục nhưng chưa phát huy hiệu quả. Các ngành có liên quan của tỉnh chưa hoạch định được chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp và cân đối nguồn lực cho phù hợp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh chưa có nhiều cơ hội trong việc tiếp cận nguồn lực; còn có sự phân biệt trong tiếp cận nguồn lực giữa doanh nghiệp dân doanh với doanh nghiệp nhà nước, giữa các tập đoàn lớn với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời còn có nguyên nhân do chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh chưa được cải thiện. Tất cả đã làm cho các điểm số thành phần trong chỉ số chung của tỉnh bị ảnh hưởng.
Các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu tình hình tại Phú Yên - Ảnh: H.TRUNG
TIẾP TỤC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ
Theo ông Nguyễn Chí Hiến, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, từ những phân tích nguyên nhân dẫn tới việc PCI của Phú Yên trong năm 2011 sụt giảm, UBND tỉnh cần thiết ban hành chỉ thị về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu đến năm 2015 đưa Phú Yên vào top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu PCI. Việc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh có thể chia làm 2 giai đoạn. Trong hai năm 2012 và 2013, tỉnh thực hiện cải cách hành chính, mà trọng tâm là bỏ bớt hoặc gộp các loại giấy tờ trùng lắp có hiệu lực quản lý nhà nước tương tự nhau; tách quy định quản lý dự án ngoài ngân sách và dự án sử dụng vốn nhà nước do tính chất quản lý khác nhau. Tỉnh cần ban hành quy định thống nhất về triển khai dự án đầu tư không sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiến hành khảo sát, xác định chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và cân đối nguồn lực để thực hiện chương trình. Trước mắt cần tập trung vào việc cải thiện cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Việc xóa bỏ rào cản, tạo công bằng ngay trong hoạch định chính sách đối với việc tiếp cận nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung tạo lập mặt bằng sản xuất kinh doanh với quy mô vừa phải trong tất cả các ngành sản xuất phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp nhỏ ở địa phương là hết sức cần thiết. Sự trợ giúp về bảo lãnh tín dụng, tiếp cận thị trường công nghệ, các chương trình xúc tiến thương mại cho cả một nhóm ngành sẽ giúp ích nhiều trong việc cải thiện môi trường đầu tư.
Ông Nguyễn Chí Hiến, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết thêm: Việc lập, phê duyệt, công bố, quản lý quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất từ năm 2011 đến năm 2015, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, 5 năm của tỉnh và các địa phương cũng cần được nâng cao chất lượng vì đó là căn cứ để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận dự án và là cơ sở quan trọng để tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư. Ngoài ra, Phú Yên tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho người lao động ở nông thôn và huy động nguồn nhân lực xã hội để đào tạo nghề; hoàn thành và công bố quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; mở rộng đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi nhân tài của tỉnh sang cả những đối tượng đang làm việc trong các doanh nghiệp của địa phương. Giai đoạn còn lại trong 2 năm 2014, 2015, tỉnh tiếp tục hoàn tất 9 nhóm giải pháp chính với 33 giải pháp cụ thể theo chương trình hành động của UBND tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, hai cơ chế giám sát sẽ được triển khai song song gồm cơ chế tự giám sát từ phía các cơ quan thực hiện và từ phía HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng cơ chế giám sát, đánh giá từ chính các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua việc khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng các dịch vụ hành chính công do đơn vị đó cung cấp và các chính sách do đơn vị đó đề xuất (liên quan đến đầu tư, xây dựng và doanh nghiệp). Kết quả sẽ được công bố định kỳ tại các kỳ họp HĐND tỉnh và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
HOÀI TRUNG