Thời gian qua, tuy các HTX gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động do quy mô sản xuất nhỏ, nguồn nhân lực hạn chế, nợ đọng kéo dài… nhưng hầu hết các HTX vẫn đảm bảo nguồn thu, có sự phát triển.
Xã viên HTX NN KDTH Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) trồng rau xanh - Ảnh: X.HUY
Hiện có không ít HTX ở khu vực nông thôn đã thể hiện được vai trò “tiên phong trong xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới” bằng cách triển khai hiệu quả các dịch vụ phục vụ dân sinh như: Hỗ trợ xã viên một phần tiền mua lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu; đầu tư kinh phí nâng cấp, cải tạo kênh mương nội đồng, phát động các phong trào diệt chuột, sâu hại, cũng như định hướng hộ xã viên phát triển sản xuất thông qua hoạt động cho vay lãi suất thấp. Tuy các hoạt động trên đều không giúp HTX tăng thu nhập nhưng hầu hết các HTX đều coi trọng bởi “kinh tế hộ xã viên phát triển, kinh tế HTX vững bền”.
Đến nay, HTX nông nghiệp vẫn là đầu mối không thể thiếu để các ngành quản lý Nhà nước triển khai việc chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật giúp người nông dân áp dụng hiệu quả vào sản xuất, giúp phòng trừ dịch bệnh, đưa năng suất sản xuất nông nghiệp ngày một cao. Để giúp bà con xã viên có thêm việc làm, tăng thu nhập trong thời gian nông nhàn, các HTX như Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa), Long Hà (huyện Đồng Xuân)… đã phối hợp với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh mở các lớp đào tạo và tìm nguồn ra cho nghề trồng nấm, chăn nuôi, sản xuất các sản phẩm mây, tre, lá… Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn về vốn, một HTX còn chủ động liên kết làm ăn với các doanh nghiệp tư nhân để phát triển sản xuất. Như việc các HTX nông nghiệp ở TP Tuy Hòa cho các cá nhân, doanh nghiệp thuê đất để sản xuất gạch ngói, trưng bày hoa cây cảnh; các HTX ở huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa cho các công ty tư nhân mở xưởng chế biến hạt điều, sản xuất phân bón; các HTX ở huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa làm đại lý thu mua nguyên liệu mía cho các nhà máy đường…. Việc phối hợp này vừa tăng nguồn thu cho HTX vừa góp phần tạo thêm việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương. Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế HTX cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công công cuộc xây dựng nông thôn mới. Thông qua các tổ đội sản xuất, HTX giúp chính quyền địa phương tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; thu các khoản phí như thuế đất, an ninh quốc phòng, xây dựng trường học… Các HTX cũng trích một phần doanh thu để sửa chữa đường giao thông nông thôn, tích cực tham gia đóng góp các quỹ Vì người nghèo, hỗ trợ gia đình chính sách, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ chính quyền, đoàn thể.
Để HTX thuộc khu vực nông thôn nâng cao hơn nữa vai trò tiên phong trong xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ngành chức năng cần chủ động nghiên cứu, nắm bắt, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn, sớm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cũng như giúp HTX chủ động hơn nữa về thông tin và nhu cầu thị trường, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động… Bản thân các HTX cần tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ phía các tổ chức trong và ngoài nước như Trung tâm phát triển nông thôn, Tổ chức hỗ trợ phát triển Đức, Liên đoàn HTX Cộng Hòa Liên bang Đức… trong việc định hướng chiến lược kinh doanh dài hạn, chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, tìm hướng liên kết hiệu quả với các doanh nghiệp nhằm đưa kinh tế tập thể ngày càng phát triển.
BẢO PHƯỚC
(Liên minh HTX Phú Yên)