Thứ Năm, 28/11/2024 11:34 SA
Nuôi tôm ở Đông Hòa:
Hướng đến vùng nuôi an toàn
Thứ Ba, 06/03/2012 11:00 SA

Hiện nay, diện tích nuôi tôm ở huyện Đông Hòa tăng lên đáng kể, khiến nhiều vùng nuôi có nguy cơ không ổn định. Trước thực trạng này UBND huyện Đông Hòa đang tập trung chỉ đạo các địa phương có diện tích nuôi tôm tăng cường kiểm soát vùng nuôi, kiểm soát con giống, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi thủy sản, đồng thời đa dạng hóa đối tượng nuôi nhằm hướng đến vùng nuôi an toàn, giảm thiểu rủi ro.

 

Nuoitom120306.jpg

Nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (Đông Hòa) - Ảnh: A.NGỌC

Theo báo cáo của UBND huyện Đông Hòa, năm 2011 trên địa bàn huyện có khoảng 63% số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng có lãi, trong đó hơn 35% hộ có lãi từ 150-200 triệu đồng, cá biệt có hộ lãi trên 600 triệu đồng; khoảng 20% số hộ nuôi hòa vốn và khoảng 17% bị thua lỗ. Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, diện tích thả nuôi tôm năm 2011 trên địa bàn huyện lên đến 1.740ha, tập trung ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch. Có thể nói, năm 2011 là năm thành công đối với bà con nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Đông Hòa, bởi người nuôi vừa được mùa lại được giá khi xuất bán tôm thương phẩm. Tuy nhiên, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện vẫn chưa ổn định, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn xảy ra. Năm 2011, trên địa bàn huyện Đông Hòa có hơn 353ha tôm nuôi bị bệnh, làm mất trắng gần 27ha. Nguyên nhân được xác định là do thời tiết biến đổi bất thường, một số hộ nuôi không đảm bảo kỹ thuật trong khâu vệ sinh ao hồ, con giống chưa được kiểm dịch triệt để, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa phù hợp, người nuôi tôm chưa chấp hành quy chế vùng nuôi, thả nuôi chưa đồng bộ nên dịch bệnh xảy ra mang tính lây lan trên diện rộng.

 

Vụ nuôi tôm năm 2012 đang gặp nhiều bất lợi, nhiều hồ nuôi tôm ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch đã cải tạo xong, nhưng người nuôi chưa mạnh dạn xuống giống vì thời tiết không thuận lợi. Một số diện tích thả nuôi sớm gặp đợt thời tiết lạnh và mưa kéo dài nên tôm nuôi chậm phát triển, có hồ tôm nuôi bị bệnh. Ông Huỳnh Kim Đính ở xã Hòa Tâm (Đông Hòa), cho biết: “Với hơn 6.000m2, gia đình tôi thả nuôi đúng lịch thời vụ nhưng sau hơn 20 ngày tôm bệnh và chết sạch, lỗ hơn 40 triệu đồng. Nguyên nhân dẫn đến tôm bị bệnh và chết vẫn chưa xác định là do con giống hay thời tiết. Hiện tôi đang thả nuôi một hồ khác rộng 5.000m2. Đến nay tôm gần 20 ngày, tôm đang phát triển tốt”. Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm, cho biết: “Đến nay, nông dân trong xã đã thả nuôi khoảng 65ha, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Hiện có khoảng 20ha tôm nuôi thả sớm đang bị bệnh, tôm không phát triển. Nguyên nhân có thể là do thời tiết, tuy nhiên chất lượng con giống hiện nay vẫn không đảm bảo bởi khâu kiểm soát chưa chặt chẽ. Địa phương kiến nghị Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tăng cường mở lớp tập huấn, hướng dẫn cho bà con nuôi tôm cách xử lý và điều trị khi có dịch bệnh xảy ra. Cơ quan thú y nên quan tâm hơn trong khâu kiểm dịch con giống thủy sản, cũng như giống tôm đang bán trôi nổi trên thị trường hiện nay”.

 

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, lịch thời vụ đối với vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch bắt đầu thả giống từ tháng 1/2012, nhưng đến nay chỉ khoảng 1/4 số diện tích đã được thả nuôi. Ông Đỗ Kim Đồng, Phó phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cho biết: “Ngay từ đầu vụ, do thời tiết lạnh và mưa kéo dài gây bất lợi cho tôm nuôi, nên phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương có diện tích nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch lùi lịch thời vụ lại một tháng so với lịch thời vụ của Sở NN-PTNT Phú Yên. Phòng NN-PTNT huyện đang nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng trùn quế làm thức ăn bổ sung, đây là mô hình triển khai năm vừa rồi và đạt kết quả tốt”.

 

Năm 2011, diện tích nuôi tôm ở huyện Đông Hòa tăng hơn 151% so với kế hoạch, khiến nhiều vùng nuôi có nguy cơ không ổn định. Riêng vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi đang diễn biến phức tạp và năm nào cũng xảy ra. Để hạn chế rủi ro, huyện Đông Hòa chủ trương duy trì diện tích nuôi tôm khoảng 1.260ha. Ông Lưu Bá Hạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cho rằng: Các xã có diện tích nuôi tôm cần thực hiện đúng lịch thời vụ thả nuôi, mật độ nuôi phù hợp; thực hiện chuyển đổi cơ cấu đối tượng nuôi theo hướng luân canh, xen canh, đa dạng hóa đối tượng nuôi và nuôi kết hợp nhiều loài trong một ao nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek