Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, lúa đông xuân 2011-2012 đang giai đoạn làm đòng, trổ bông đã xuất hiện các đối tượng gây hại nguy hiểm là rầy nâu và bệnh đạo ôn.
Rầy nâu xuất hiện ở hầu hết các địa phương với mật độ 40-300 con/m2, cá biệt trên giống TBR1 tại xã An Thạch (huyện Tuy An) có mật rầy khá cao với 750-2.500 con/m2. Trong khi đó, bệnh đạo ôn gây hại với với tỉ lệ 5-10% lá, cá biệt có diện tích bị bệnh cấp 5-9 với tỉ lệ 60-90% lá, chủ yếu là các giống có bộ lá trải ngang và bản to như OM 4088, OM 2514, ML 202, VNĐ 95-20, IR 17497, D 98-17… và ở những ruộng bón quá nhiều phân đạm. Bênh cạnh đó, bệnh thối thân xuất hiện gây hại với tỉ lệ bệnh 5-10% ở Phú Hòa, TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu trên những diện tích sạ dày, bó nhiều phân đạm, đất bị yếm khí; chủ yếu là các giống ML 48, ML 68.
Trong thời gian tới, với thời tiết có sương mù buổi sáng sớm, nắng mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, các địa phương cần điều tra, khoanh vùng có biện pháp xử lý kịp thời. Theo đó, rầy nâu sẽ phát triển mạnh trên các giống lúa ghi nhận nhiễm rầy như TBR1, BĐ 250, BĐ 258, HDDB 6, OM 2695-2, D 98-17, ĐV 108… Chỉ nên phun thuốc trừ rầy nâu khi rầy đạt mật độ 3.000 con/m2 với các loại thuốc đã được khảo nghiệm có hiệu quả trừ rầy cao như hoạt chất chống lột xác Buprofezin (Applaud, Penalty, Difluent..), hoạt chất Pymetrozine (Chess), hoạt chất Fenobucarb (Bassa, Jetan, Dibacide), hoạt chất Imidacloprid (Admire, Confidor).
Đối với bệnh đạo ôn, khi cần thiết nên dùng các thuốc đặc trị như: Filia, Beam, Rabcide, Fuan, Trizole, Flash…, có thể phun lập lại đối với những ruộng bị bệnh nặng để hạn chế bệnh phát triển lên cổ bông, làm gãy cổ bông, hạt lúa lép và ảnh hưởng đến năng suất.
Đối với bệnh thối thân, có thể phun trừ bệnh bằng các thuốc New Hinosan, Anvil, Kasumin và Nevo; khảo nghiệm cho thấy dùng hỗn hợp Anvil với Kasumin có hiệu quả cao trong trừ bệnh thối thân.
MAI ANH