Theo Ngân hàng Nhà nước, tỉ giá bình quân liên ngân hàng tuần qua tiếp tục giữ ở 20.828 đồng/USD. Mức tỉ giá này đã được giữ nguyên từ 24/12/2011 đến nay. Đây cũng là tín hiệu cho thấy giá trị đồng Việt
Ảnh minh họa: Internet
Đây là sự điều hành thành công của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian gần đây khi tuyên bố của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình ngày 7/9/2011 cam kết điều chỉnh tỉ tiền đồng/USD đến cuối năm (2011) không quá 1% đã thực hiện được như cam kết. Tiếp đó đầu năm 2012, Thống đốc nói nếu không có những tác động bất thường (cả trong và ngoài nước) ảnh hưởng đến kinh tế thì tỉ giá tiền đồng/đô la Mỹ năm 2012 biến động không quá 3%. Điều này bước đầu đã tạo niềm tin cho thị trường.
Trước đó, về nguyên nhân mất giá của đồng Việt Nam kể từ năm 2008 đến quí 4/2011 được cho là bởi thâm hụt cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối thấp; lạm phát cao; thiếu niềm tin vào chính sách…
Nay thì tình hình đã bước đầu được cải thiện. Nhập siêu giảm là yếu tố căn bản để giảm nhu cầu đô la Mỹ.
Theo dõi kết quả nhập siêu qua các năm, đặc biệt là từ năm 2010 đến nay, cho thấy khoảng cách giữa xuất khẩu và nhập khẩu đang thu hẹp lại. Nhập siêu hàng hóa năm 2011 ước tính 9,5 tỉ USD, là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua và là năm có tỉ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu thấp nhất trong vòng mười năm trở lại đây.
Từ sau Tết đến nay, rất nhiều doanh nghiệp và người dân đi bán USD cho các ngân hàng thương mại. Giá mua ngoại tệ của ngân hàng giảm dần từ 20.930 đồng xuống 20.750 đồng/USD vào cuối tuần trước. Nhiều người dân đã bán ngoại tệ lấy tiền đồng gửi các ngân hàng có mức lãi suất 14%/năm và hầu như không ai còn có kỳ vọng vào sự đột biến của tỉ giá.
Với những yếu tố thuận lợi đã được xác lập, có thể thấy dư địa để NHNN chủ động điều hành tỉ giá rộng hơn các năm trước. Sự điều hành tỉ giá trong thời gian tới sẽ đồng bộ với việc kiềm chế lạm phát và giảm lãi suất tiền đồng.
Theo chinhphu.vn